Trong bối cảnh đại dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona đang hoành hành tại Trung Quốc và một số quốc gia khác, nhiều cơ quan, trường học tại nước này đã rơi vào trạng thái đình trệ.
Trước đó, Trung Quốc đã công bố sẽ kéo dài thời gian nghỉ lễ Tết tới ngày 2/2 nhằm hạn chế dòng người trở về các thành phố lớn để làm việc. Ngoài ra các trường học, công sở sẽ tiếp tục cho nghỉ đến khi có thông báo trở lại.
Như vậy sẽ có hàng triệu học sinh Trung Quốc không được đi học và trễ chương trình. Tuy nhiên đây cũng là cơ hội không thể tốt hơn cho các công ty giáo dục trực tuyến.
Khi các trường học tại Trung Quốc hoãn lịch học do sự bùng phát của virus corona, các tổ chức giáo dục cung cấp dịch vụ dạy học trực tuyến sẽ có cơ hội tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn.
Nền tảng video trực tuyến Youku của Alibaba, dịch vụ được mệnh danh là YouTube của Trung Quốc cho biết, họ sẽ bắt dầu mở các lớp học trực tuyến cho học sinh tiểu học và trung học.
Ảnh minh họa
Các lớp học sẽ được miễn phí nhờ sự trợ giúp của một sản phẩm đến từ Alibaba có tên DingTalk. Đây là một công cụ giao tiếp văn phòng giống như Slack của smartphone.
Theo truyền thông Trung Quốc, đã có khoảng gần 50 trường tiểu học và trung học ở tỉnh Hồ Bắc, trong đó có tâm dịch Vũ Hán tham gia chương trình trên.
Sau Youku, hiện rất nhiều công ty khác đang có những động thái chung tay tương tự vì cộng đồng. Nhà cung cấp dịch vụ giáo dục tư nhân lớn nhất Trung Quốc, New Oriental Group hiện đang cung cấp 1 triệu lớp học trực tuyến miễn phí cho học sinh trong khi start-up Squirrel AI (Thượng Hải) chuyên cung cấp hệ thống giáo dục K12 edtech đã hủy các lớp học bình thường và chuyển sang mở các lớp học trực tuyến.
Công ty giáo dục trực tuyến iTutor cũng quyết định cung cấp nền tảng giảng dạy trực tuyến miễn phí cho nhiều học sinh. Động thái trên của các nền tảng dịch vụ và công ty giáo dục rất đáng hoan nghênh.
Cách đây không lâu, hàng loạt các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc như Alibaba, Tencent, Xiaomi, Baidu, Huawei, Lenovo,…đã tài trợ một số tiền lớn cùng nhiều vật tư y tế tới vùng dịch.
Kể từ khi Vũ Hán chính thức phong tỏa thành phố vào hôm 23/1, mọi thứ gần như đình trệ, từ giao thông công cộng tới đời sống hàng ngày của người dân. Trong khi đó các cơ sở y tế phải hoạt động không ngừng nghỉ để tiếp nhận bệnh nhân. Tới nỗi Vũ Hán đã phải cấp tốc xây dựng hai bệnh viện dã chiến ở ngoại ô với quy mô hàng ngàn giường bệnh để kịp thời cứu chữa và cách ly bệnh nhân.
Chính quyền Trung Quốc sau đó cũng đã ban hành lệnh cấm các tour du lịch theo nhóm nội địa hoặc ra nước ngoài để tránh tình hình lây lan thêm phức tạp. Ngoài ra hơn 20 thành phố tại Trung Quốc đã bị phong tỏa, khiến hơn 60 triệu dân nước này gần như bị cô lập.
Tính đến ngày 2/2, ít nhất đã có 14.551 ca nhiễm bệnh và 304 người đã tử vong.
Tham khảo Abacusnews