Hiện nay, việc xuất hiện loạt thiết bị điện, gia dụng trong ngôi nhà của các gia đình được đánh giá là không thể thiếu. Chúng vừa giúp giải phóng sức lao động, tiết kiệm thời gian, công sức, vừa giúp cuộc sống của con người trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn.
Trong số những thiết bị quen thuộc, không thể không bỏ qua cái tên tủ lạnh. Đây là thiết bị có chức năng lưu trữ, bảo quản thực phẩm được tươi hơn, lâu hơn. Có thể nói mỗi gia đình hiện đại đều sở hữu ít nhất 1 chiếc tủ lạnh.
Tuy việc sử dụng tủ lạnh được đánh giá là rất đơn giản, nhưng có một vấn đề về thiết bị không phải ai cũng biết làm đúng, đó là lựa chọn vị trí của nó. Một băn khoăn được nhiều người dùng đưa ra, đó là: Nên đặt tủ lạnh trong phòng khách hay phòng bếp thì tốt hơn?
Dưới đây là những giải thích và phân tích từ các chuyên gia trên trang aboluowang.
Đặt tủ lạnh trong bếp hay trong phòng khách?
Nhiều người cho rằng, đặt ở đâu là do sở thích của mỗi gia chủ cũng như còn tùy vào thiết kế, diện tích của không gian. Tuy nhiên các chuyên gia đưa ra lời khuyên rằng, người dùng cần nhìn vào những ưu, nhược điểm nhất định của từng vị trí, từ đó mới đưa ra quyết định sao cho phù hợp với nhu cầu, sở thích.
Và ở mỗi không gian, cũng có những lưu ý cụ thể để tủ lạnh hoạt động được hiệu quả, tối ưu và đảm bảo nhất.
1. Tủ lạnh đặt trong bếp
Như đã nói ở trên, chức năng chính của tủ lạnh là để lưu trữ, bảo quản các loại thực phẩm như rau củ quả, thịt tươi sống, trứng, hay các loại thức ăn chín, đồ uống... Bởi vậy, nhiều gia đình lựa chọn bếp là không gian lý tưởng nhất để đặt tủ lạnh. Việc này giúp thuận tiện cho việc sử dụng thiết bị, dễ dàng, nhanh chóng đưa vào cũng như lấy thực phẩm từ trong tủ ra.
Bài viết trên aboluowang công nhận điều này. Song bên cạnh đó, cũng chỉ ra một vài nhược điểm khi đặt tủ lạnh trong phòng bếp. Cụ thể, bếp là không gian thường xuyên xuất hiện nước (từ bồn rửa) và lửa hay nhiệt cao (từ bếp). Chính vì vậy, tủ lạnh có thể bị ảnh hưởng phần nào, đặc biệt khi đặt quá gần bồn rửa, vòi rửa hay gần bếp nấu.
Nước và độ ẩm cao xâm nhập vào thiết bị trong thời gian tiềm ẩn nguy cơ xảy ra chập bảng mạch thiết bị, chập điện nguy hiểm. Còn nhiệt độ cao của bếp tác động lên tủ lạnh, lâu ngày cũng khiến tuổi thọ của thiết bị bị suy giảm, thậm chí hư hỏng nghiêm trọng bởi tủ lạnh cũng là 1 thiết bị sinh nhiệt lớn.
Chính vì vậy, nếu người dùng đặt tủ lạnh trong khu vực phòng bếp, hãy lưu ý không đặt gần hay ngay sát bồn rửa, vòi rửa hay bếp nấu.
2. Tủ lạnh đặt trong phòng khách
Ngược lại với bếp, phòng khách lại là không gian luôn khô ráo, sạch sẽ. Đặt tủ lạnh trong phòng khách sẽ giúp đảm bảo tuyệt đối cho vấn đề vệ sinh của thiết bị. Tuy nhiên, để đặt được tủ lạnh trong phòng khách, gia chủ phải đảm bảo không gian đủ diện tích cũng như chiếc tủ lạnh phải phù hợp với thẩm mỹ, thiết kế.
Bởi thực tế, phòng khách được ví như "bộ mặt" của một ngôi nhà. Nếu việc đặt tủ lạnh ở phòng khách lại khiến ảnh hưởng không tốt tới thẩm mỹ không gian, thì tốt nhất không nên thực hiện. Bên cạnh đó, đặt tủ lạnh trong phòng khách cũng gây bất tiện phần nào cho việc lấy ra - cất vào thực phẩm.
Lưu ý khi đặt tủ lạnh
Các chuyên gia nhấn mạnh thêm, dù đặt tủ lạnh trong phòng khách hay phòng bếp, hay trong bất kỳ không gian nào, người dùng cũng cần tuân thủ thêm một số lưu ý. Chúng ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả hoạt động cũng như tuổi thọ của thiết bị.
1. Khoảng cách giữa tủ lạnh với các cạnh bên
Là thiết bị sản sinh lượng nhiệt lớn khi hoạt động, bởi vậy trong suốt quá trình vận hành, tủ lạnh liên tục được tản nhiệt để đảm bảo hiệu quả hoạt động và tuổi thọ, không khiến thiết bị bị quá tải. Người dùng cần đặt tủ lạnh ở vị trí thông thoáng, có khoảng cách với các cạnh bên như tường hay các đồ nội thất, gia dụng khác trong nhà.
Một số gợi ý được các chuyên gia đưa ra người dùng có thể tham khảo như sau:
- Mặt sau tủ lạnh cách tường ít nhất 15cm.
- Các mặt bên của tủ lạnh cách tường/vật cản ít nhất 10cm.
- Tủ nên được kê cao hơn so với mặt đất ít nhất 3cm.
- Khu vực trước tủ hoặc bên mở cánh tủ không được có bất kỳ vật cản nào.
2. Không tận dụng nóc tủ lạnh để đặt vật nặng
Nhiều gia đình thường có thói quen tận dụng tủ lạnh làm khu vực lưu trữ đồ đạc, đồ trang trí nhà cửa hay những thiết bị gia dụng khác, điển hình là chiếc lò vi sóng. Các chuyên gia khuyến cáo, việc làm này là vô cùng không nên.
Những đồ dùng này vô tình tạo nên áp lực, đè lên tủ lạnh và khiến thiết bị có thể bị hư hỏng. Đặc biệt với các loại lò nướng, lò vi sóng, việc đặt trên nóc tủ lạnh khiến 2 thiết bị cùng sản sinh nhiệt lớn tác động lên nhau, nguy cơ xảy ra chập cháy là rất cao.
3. Tránh các nguồn nhiệt cao
Tủ lạnh tốt nhất nên tránh đặt cạnh, gần các thiết bị sinh nhiệt cao khác trong nhà. Ví dụ như bếp, lò nướng, máy giặt, máy sấy quần áo... Việc này giúp đảm bảo tuổi thọ cũng như tránh các sự cố đáng tiếc với tất cả các thiết bị.
Theo aboluowang