Thị trường quần áo may mặc dành cho trẻ em ở Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng hơn bất cứ mảng nào khác trong ngành thời trang và đạt giá trị đến 40,5 tỷ USD trong năm 2018.
Cùng với sự tham gia của các ông lớn trong lĩnh vực thời trang và truyền thông, con số này kéo theo nhu cầu vô cùng lớn những người mẫu nhí.
Người mẹ đang động viên con gái mình trước khi em bước lên sàn diễn của một cuộc thi tìm kiếm mẫu nhí.
Một bé gái đang tạo dáng trước ban giám khảo trong một show diễn.
Ý muốn của riêng cha mẹ
Những đứa trẻ tự tin xúng xính váy áo và lướt đi với dáng người chuẩn xác, nhưng không phải đứa bé nào cũng mong muốn công việc này.
"Cha mẹ của các em mong muốn công việc này hơn là bản thân của các em.
Nếu đứa trẻ nào dám không nghe theo lời hướng dẫn trong lớp người mẫu, phụ huynh sẽ sẵn sàng ra tay đánh đập để ép các em phải làm theo", Lee Ku, người sáng lập trường mẫu nhí Le Show Stars cho biết.
Người mẫu nhí đang được mẹ mình trang điểm trước khi lên sàn.
Đặt những tấm bìa cứng trên đầu là cách giúp các em ngẩng đầu đúng góc để thể hiện được cảm xúc khuôn mặt tốt nhất.
Hồi đầu năm nay, đoạn video ghi lại cảnh người mẹ thẳng chân đá và đạp cô con gái 3 tuổi của mình chỉ vì em không làm theo lời của người hướng dẫn tại lớp học, nội dung này được lan truyền rộng rãi trên mạng và tạo làn sóng phẫn nộ từ người dùng mạng.
Không lâu sau đó, hồi đầu tháng 8 vừa qua, một đoạn clip khác ghi lại cảnh cậu bé người mẫu phải khoác trên người rất nhiều lớp quần áo dày của mùa đông trong khi nhiệt độ bên ngoài đã vọt lên 37 độ C.
Video này cũng nhận về hàng loạt lời chỉ trích nặng nề vì sự hành xử của cha mẹ.
Người mẫu nhí đang được mẹ mình trang điểm trước khi lên sàn.
Người mẹ đang động viên con gái mình trước khi em bước lên sàn diễn của một cuộc thi tìm kiếm mẫu nhí.
Áp lực và cạm bẫy
Trong ngành công nghiệp mà mỗi cô bé cậu bé như vậy cũng có thể kiếm được 10.000 Nhân dân Tệ (khoảng 32,7 triệu đồng) sau mỗi show diễn, những đoạn video cha mẹ đánh đập con cái của mình chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Theo Lee, anh đã chứng kiến nhiều sự việc gây ảnh hưởng tiêu cực đến các em nhiều hơn như vậy.
Ở mỗi show diễn, các em thường phải thay quần áo đến hơn 100 lần và phải làm việc liên tục từ sáng đến tối.
Các chuyên gia cho biết làm việc quá sức như vậy không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất, mà về lâu dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc và tinh thần của các em.
Giáo viên tại lớp đào tạo mẫu nhí Le Show Stars đang hướng dẫn các em dáng đi đứng.
Hoạt động đào tạo bên trong trường Le Show Stars.
"Trẻ em từ 0 đến 6 tuổi đang trong thời gian phát triển về mặt tinh thần, các em cần được tự do để khám phá thế giới xung quanh.
Tuy vậy, làm việc tại sàn diễn khiến các em phải thể hiện nhiều cảm xúc khác nhau trên khuôn mặt trong một thời gian ngắn, hay thậm chí là ngược lại với tâm trạng thật của trẻ vào lúc đó.
Điều này hạn chế khả năng biểu lộ cảm xúc mà nhìn xa hơn tâm lý của các em sẽ bị rối loạn, các bé đôi khi thậm chí sẽ không biết mình muốn gì.
Tôi thấy đây thật sự là một công việc rất tồi tệ đối với trẻ em trong độ tuổi này", chuyên gia về tâm lý trẻ em Gong Xueping chia sẻ.
Bé gái cùng người thân trong gia đình đang chờ đến lượt để trình diễn.
Đứng trước ban giám khảo, cô bé tự tin thể hiện khả năng tạo dáng.
Nhưng không phải như vậy mà có thể ngăn cản được ước mơ biến con mình thành siêu mẫu của các bậc cha mẹ.
Được mở cửa vào 3 năm trước, Le Show Stars là trường đào tạo người mẫu nhí đầu tiên ở Bắc Kinh với học phí lên đến khoảng 820 tệ (2,7 triệu đồng).
Cặp song sinh Xiao Yumi và Xiao Yuki năm nay 4 tuổi, dù không phải người mẫu chuyên nghiệp nhưng suốt hai năm nay các em được cha mẹ liên tục đưa đến các khóa học làm người mẫu và các sàn diễn thời trang ở khắp nơi, các em được kỳ vọng sẽ nhanh chóng trở thành mẫu thời trang trong thời gian ngắn nhất và dấn thân hẳn vào ngành công nghiệp này.
Lớp trang điểm dày trên mặt một bé gái tại show diễn thời trang.
Cặp sinh đôi trai-gái Xiao Yumi và Xiao Yuki đang được cha mẹ trang điểm ở cánh gà.
Xiao Liang, cha của hai em cho biết: "Ở những cuộc thi tuyển chọn người mẫu, các con phải đến phòng thay đồ từ trước 6 giờ sáng dù màn thể hiện được bắt đầu sau 2 giờ chiều.
Trong thời gian đó, hai bé sẽ được cho thử quần áo và trang điểm rồi tập dượt để kiểm tra dáng đi và thần thái.
Sau khi được ban giám khảo đánh giá, hai con của tôi phải tẩy trang hoặc thay đổi trang điểm, trang phục để đến một nơi khác.
Tôi cũng như các phụ huynh khác đưa các em đi khắp đất nước và tham dự hàng trăm cuộc thi khác nhau, tôi muốn tìm cho con mình một cơ hội nghề nghiệp".
Hàng dài các thí sinh tham gia cuộc thi tìm kiếm người mẫu nhí cho một sự kiện thời trang.
Cũng như nhiều cha mẹ khác, Xiao cho biết ban đầu ông đăng ký cho hai con của mình tham dự cuộc thi người mẫu nhằm giúp con tự tin hơn trước đám đông và có thể thể hiện được bản thân, nhưng khi thấy hai con thích thú với việc này và có thể kiếm tiền được từ đó, họ bắt đầu đầu tư nhiều hơn và ôm mộng xây dựng sự nghiệp cho con cái.
"Thật may mắn khi gia đình tôi có một cặp song sinh trai-gái, những ông bầu và nhà sản xuất thời trang rất thích hai đứa con của tôi.
Vì 'của trời cho' này, tôi muốn tập trung phát triển sự nghiệp cho con mình vì rõ ràng chúng có lợi thế hơn những đứa trẻ khác", Xiao chia sẻ.
Xiao và vợ của ông là bà Bai Yu cho biết họ nhận thức được những cạm bẫy của công việc này và cho biết sẽ để tùy con mình lựa chọn có theo đuổi tiếp tục hay không khi chúng lớn lên.
"Nếu hai con thật sự có khả năng và mong muốn được theo nghề, tôi sẽ hỗ trợ 100% giúp chúng thực hiện được ước mơ", ông Xiao nói.
Vây xung quanh là ban giám khảo, khán giả cùng hàng loạt camera, máy ghi hình, những cô bé tự tin sải bước và bộc lộ cảm xúc lạnh lùng trên khuôn mặt.
Luật lao động và bảo hộ trẻ em Trung Quốc đặt ra rất nhiều quy định chặt chẽ, phần lớn những hoạt động kinh doanh người mẫu nhí đều diễn ra trong bí mật và cha mẹ của các em đôi khi phải chi tiền để được trót lọt.
Mặc dù các quy định về hạn chế thời gian làm việc 10 tiếng/ngày và không cho phép trẻ em phát ngôn quan điểm nghề nghiệp, nhưng nền công nghiệp catwalk nhí ở đất nước tỷ dân này vẫn đang hoạt động như một cách bóc lột trẻ em nghiêm trọng.