Theo WSJ, nguy cơ này tạo ra một tình thế lúng túng cho liên minh NATO khi họ tìm cách đối phó với việc Thổ tăng cường quan hệ sâu sắc với Nga.
Thổ sẵn sàng hành động
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình trong tháng này, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho biết nếu Mỹ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì đã mua một hệ thống phòng không của Nga, thì, nếu cần thiết, chúng tôi có thể đóng Incirlik và Kureci, nơi Mỹ đặt vũ khí hạt nhân và vận hành radar quan trọng.
Tuyên bố này đã kéo theo phản ứng lo lắng từ Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper, người nói rằng động thái trên đặt ra câu hỏi về sự cống hiến của Thổ Nhĩ Kỳ cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO.
"Họ có quyền mở hay không mở các căn cứ của NATO hoặc quân đội nước ngoài, ông Esper nói. Nhưng một lần nữa, tôi nghĩ điều này trở thành một vấn đề của liên minh, cam kết của họ với liên minh, nếu thực sự họ nghiêm túc với những gì họ đang nói".
Thổ Nhĩ Kỳ, nước có quân đội thường trực lớn nhất NATO sau Mỹ, đã thực hiện một số bước đi khiến họ bất hòa với Washington và phần còn lại của liên minh, bao gồm đưa quân đội vào miền bắc Syria để chống lại nhóm dân quân đồng minh của Mỹ và mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga.
"Cảm giác giống như xem một vụ tai nạn xe hơi trong chuyển động chậm", một nhà ngoại giao phương Tây ở Thổ Nhĩ Kỳ nói.
Chính quyền Trump đã tìm cách vỗ về ông Erdogan để ngăn chặn Ankara kết nối chặt chẽ hơn với Moscow, các quan chức Mỹ cho biết. Nhưng Tổng thống Trump cũng gặp khó khăn với các nhà lập pháp Mỹ đầy tức giận, những người đã bỏ phiếu thông qua một loạt các dự luật nhằm trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Trump vào giữa tháng 11 đã tiếp đón người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ tại Nhà Trắng, gọi ông ấy là một người bạn rất thân. Vào tháng này, ông đã ký một dự luật quốc phòng bao gồm các lệnh trừng phạt chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là ngăn chặn việc giao các máy bay chiến đấu cho Ankara.
Chính quyền Trump vẫn chưa nêu ra phạm vi trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng các quan chức Hoa Kỳ và Châu Âu nói rằng thời gian không còn nhiều để có thể điều chỉnh quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Hoa Kỳ và xoa dịu căng thẳng trong NATO.
Chúng tôi không muốn trừng phạt [đối với Thổ Nhĩ Kỳ], nhưng chúng sẽ xảy ra, một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ nói. "Điều này sẽ làm tổn thương Thổ Nhĩ Kỳ".
Tại cuộc họp liên minh NATO ở London vừa qua, các nhà lãnh đạo đã đạt được một số thỏa thuận về các vấn đề chiến lược và sáng kiến quốc phòng. Ông Trump, người từng chỉ trích mạnh mẽ NATO và đặt câu hỏi về giá trị của tổ chức này, đã hoan nghênh các đồng minh vì tăng chi tiêu.
Cuộc họp này diễn ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào miền bắc Syria để tấn công các tay súng người Kurd – lực lượng từng được quân đội Hoa Kỳ và châu Âu hỗ trợ để chống lại Nhà nước Hồi giáo IS. Cuộc tấn công này, diễn ra sau cuộc điện đàm giữa ông Erdogan và ông Trump, đã khiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên tiếng rằng NATO đang trải qua sự "chết não"vì các quyết định được đưa ra ngoài liên minh. Tuy nhiên, tại cuộc họp NATO, có rất ít sự chỉ trích công khai nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Bên ngoài NATO, tranh cãi nhanh chóng nổi lên.
Xoay quanh khí tài và Trung Đông
Trung tâm của sự tranh chấp là việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống S-400 – loại khí tài mà Lầu Năm Góc coi là mối đe dọa an ninh đối với NATO. Washington đã đình chỉ việc giao máy bay tiêm kích tấn công F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ và loại trừ các công ty hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi hợp đồng sản xuất chung về thân máy bay và các bộ phận khác. Mỹ cho rằng Nga có thể sử dụng radar hệ thống để theo dõi và đánh giá năng lực của loại máy bay tàng hình tối tân này của họ.
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã đề xuất thành lập một ủy ban chuyên gia với Hoa Kỳ, hoặc dưới sự giám sát của NATO, để xem xét vấn đề S-400 và đề xuất các biện pháp khắc phục. Nhưng các quan chức Hoa Kỳ nói rằng Washington thà trả tiền bồi thường lớn hơn là giao một chiếc F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ và gây nguy hiểm cho tính toàn vẹn của chương trình trị giá hàng tỷ USD.
Leo thang thêm sự bế tắc, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành một cuộc thử nghiệm hệ thống S-400, được triển khai tại căn cứ không quân gần Ankara và mục tiêu là chống lại các máy bay F-16 do Mỹ sản xuất vào cuối tháng 11 vừa qua. Ankara cho biết họ có thể đặt mua máy bay chiến đấu của Nga nếu lệnh cấm chuyển giao F-35 không được dỡ bỏ.
Ahmet Berat Conkar, một nhà lập pháp Thổ Nhĩ Kỳ có mối liên hệ với đảng AK cầm quyền của ông Erdogan, và là phó trưởng phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ tại Nghị viện NATO, nói rằng: "Lợi ích an ninh quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ phải được coi là một trong những vấn đề ưu tiên đối với Mỹ và NATO. Nếu điều này không thể được bảo đảm và duy trì một cách công khai bằng hành động cụ thể đối với Thổ Nhĩ Kỳ thì các vết rạn nứt mới có thể mở ra trong liên minh NATO".
Thổ Nhĩ Kỳ, hiện đã phối hợp với Nga ở miền bắc Syria, cũng đang tìm cách hợp tác với Nga tại Libya.
"Thổ Nhĩ Kỳ đang ngả bài và họ đang chiến thắng", một nhà ngoại giao cấp cao của châu Âu tại NATO cho biết.