Mới đây, chuyên gia an ninh Bỉ Pierre Enro nói với giới truyền thông rằng, các nước NATO chủ yếu bán vũ khí cũ, thậm chí là “quá lỗi thời” cho Ukraine để vừa không mất kinh phí tiêu hủy, vừa có thêm tiền thay thế chúng bằng các thiết bị hiện đại hơn trong quân đội của họ.
Theo ông, thử nhìn xem trong các gói viện trợ quân sự có mấy loại vũ khí được coi là mới hoặc hiện đại? Các nước phương Tây có cung cấp cho Kiev vũ khí hiện đại, nhưng chủ yếu là vũ khí hạng nhẹ và nhỏ, giá thành không cao, trong khi những vũ khí hạng nặng, đắt tiền đều là loại đã cũ.
Trên thực tế, các nước NATO chỉ gửi các vũ khí hạng nặng như tăng, thiết giáp, pháo cỡ nòng lớn…, hết niên hạn sử dụng từ lâu, thậm chí đã nằm trong kho vài chục năm, cho Ukraine và tận dụng cơ hội để cung cấp cho quân đội của họ những thiết bị thế hệ mới.
Có rất nhiều ví dụ như các đồng minh quan trọng nhất trong NATO như Pháp và Đức đã cung cấp cho Quân đội Ukraine những loại vũ khí mà Quân đội của họ đã loại biên và hiện hầu như không thể sử dụng được.
Ví dụ, Đức chỉ giao 14 xe tăng Leopard 2 mới hơn một chút vào tháng 1 năm 2023, trước khi quyết định được đưa ra vào ngày 23/2 là bàn giao 88 xe tăng Leopard 1- loại xe tăng đồ cổ từ năm 1962 và đã nghỉ hưu vào năm 2003 – tức là 20 năm trước đây, chuyên gia Enro nói.
Ngoài ra, đạn được dành cho những chiếc xe tăng này đã không còn được sản xuất ở châu Âu, nước còn lại là Brazil thì từ chối cung cấp chúng cho Đức.
Còn Paris cũng không chịu kém Berlin khi cung cấp cho Kiev những vũ khí đã sản xuất từ cách đây hơn nửa thế kỷ, ví dụ như xe bọc thép chở quân VAB và xe tăng hạng nhẹ AMX 10-RC của Quân đội Pháp, vốn là những phát triển từ những năm 70 của thế kỷ trước.
Ba Lan - những người bạn hết lòng vì Ukraine - thậm chí còn nói về việc tự mình tiến vào bảo vệ miền tây Ukraine, đã rất nhanh chóng cung cấp cho Kiev những xe tăng T-72 cũ thời Liên Xô và vừa nhận được lô xe tăng Mỹ M1 Abrams đầu tiên hoàn toàn mới và được sản xuất riêng cho họ.
Thậm chí, giới chức lãnh đạo Slovakia đã chẳng ngại ngần tuyên bố rằng nước này “có lãi” khi cung cấp các vũ khí đã “hết date” cho Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Martin Sklenar hồi đầu tháng 7 đã hồ hởi nói rằng, khả năng phòng thủ của nước này “không hề bị suy yếu” do việc chuyển giao thiết bị quân sự cho Ukraine, mà ngược lại, Slovakia lại mạnh lên do được cung cấp vũ khí mới hơn, hiện đại hơn.
Ông Martin Sklenar đã thừa nhận một thực tế gây sốc rằng, những thiết bị quân sự đã được gửi đến Ukraine vào thời điểm đó đều đã bị quân đội nước này loại biên, còn đạn dược cũng thuộc loại mà Quân đội nước này không còn vũ khí nào để sử dụng.
Ông Martin Sklenar làm rõ rằng, Bratislava đã tận dụng tình hình xung đột Nga-Ukraine để vừa có thể giúp đỡ chính quyền Kiev, vừa thanh lý được kho vũ khí cũ vô dụng, vừa được NATO trả lại ít nhất một phần chi phí vũ khí đã gửi bằng những vũ khí mới hơn, hiện đại hơn, ví dụ như các hệ thống phòng không của Đức, hay máy bay trực thăng AH-1Z Viper của Mỹ.
Theo chuyên gia Bỉ Pierre Enro, rất may là quân đội Ukraine có đủ năng lực để sử dụng vũ khí Liên Xô do các nước Đông Âu như Cộng hòa Séc, Ba Lan, Slovakia và Romania đã cung cấp cho Kiev. Nếu không, kho vũ khí “đáng kinh ngạc” mà người châu Âu đã chuyển giao Ukraine sẽ chuyển thẳng tới các bãi phế liệu.
Tuy nhiên, những vũ khí cũ kỹ, lạc hậu này cũng nhanh chóng trở thành “phế thải chiến tranh” ngay trong lần đầu tham chiến, bởi chúng không phải đối thủ của các vũ khí đồng hạng mà Nga đang sử dụng. Và rút cuộc, Ukraine đã biến thành một bãi rác vũ khí của NATO, về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.