Điều gì khiến NATO run rẩy khi đội tàu ngầm Nga "dạo chơi" dưới đáy Đại Tây Dương?

Ngọc Nguyễn |

Theo các quan chức quân sự cấp cao NATO, tàu ngầm Nga gần đây tăng cường hoạt động tại các vùng biển đặt những loại cáp thiết yếu ở khu vực Bắc Đại Tây Dương.

NATO lo tàu ngầm Nga tấn công cáp biển

NATO cho rằng đây là động thái quân sự đáng lo ngại của Nga, khơi dậy nguy cơ tái hiện thời kỳ chiến tranh Lạnh.

Washington Post cho hay, việc tàu ngầm Nga tăng cường hoạt động xung quanh các loại cáp Internet và cáp truyền dịch vụ viễn thông khác khu vực Bắc Mỹ và châu Âu là tín hiệu cho thấy Moskva có thể cắt đứt dây cáp hoặc thâm nhập vào các đường truyền dữ liệu quan trọng.

Thiếu tướng Andrew Lennon, chỉ huy lực lượng tàu ngầm của NATO, cho biết: "Kể từ thời Chiến tranh Lạnh , chúng tôi chưa từng chứng kiến sự gia tăng hoạt động của tàu ngầm Nga nhiều như hiện tại. Moskva rõ ràng rất quan tâm đến NATO và cơ sở hạ tầng dưới biển của tổ chức này".

Để đối phó với diễn biến mới, NATO đã lên kế hoạch tái thiết lập lại một đơn vị chỉ huy có nhiệm vụ bảo vệ Bắc Đại Tây Dương. Các đồng minh NATO cũng đang gấp rút tăng cường công nghệ quân sự chống tàu ngầm và phát triển các loại máy bay tiên tiến phát hiện tàu ngầm.

Tư lệnh không quân Anh Stuart Peach cũng cảnh báo rằng Nga có thể gây nguy hiểm cho các hệ thông dây cáp, đang giữ vai trò nền tảng cho nền kinh tế toàn cầu. Đây là các đường dây cáp truyền tải mọi dịch vụ viễn thông trên mạng Internet và tạo ra doanh thu hàng nghìn tỷ USD hàng ngày. Nếu các tuyến cáp này bị đứt, tốc độ Internet chắc chắn sẽ chậm đi nhiều. Nếu bị truy cập bất hợp pháp, phía Nga sẽ thu được một bức tranh chung về lưu lượng truy cập Internet trên toàn thế giới.

Tướng Peach nói trong cuộc phỏng vấn tại London vào tháng này, "Bạn có thể tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra khi những đường cáp bị cắt hoặc bị gián đoạn. Cả nền kinh tế toàn cầu và cuộc sống của mỗi chúng ta đều sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng".

Bộ Quốc phòng Nga không trả lời yêu cầu bình luận về hoạt động tuần tra quanh khu vực đặt cáp của NATO.

Nước Nga trong 3 năm qua đã bắt đầu quá trình hiện đại hóa đội tàu ngầm từ thời Liên Xô khi tiến hành đại tu 13 chiếc tàu hoặc biến chúng thành "tàu trực tuyến". Hiện nước này đã sở hữu 60 tàu ngầm cỡ lớn, còn Mỹ có 66 tàu.

Điều gì khiến NATO run rẩy khi đội tàu ngầm Nga dạo chơi dưới đáy Đại Tây Dương? - Ảnh 1.

Thông tin của Cơ quan tình báo quốc phòng (DIA) thuộc quân đội Mỹ về bố trí các hạm đội tàu ngầm của Nga (Ảnh: Washington Post)

Theo ông Lennon, trong số các tàu Nga đáng chú ý là loại tàu nghiên cứu biển sâu và tàu ngầm đạn đạo cũ đã được cải tạo để chở được các tàu ngầm nhỏ hơn.

"Họ có thể tiến hành các cuộc nghiên cứu hải dương và thu thập tin tức tình báo dưới nước. Và những gì chúng tôi quan sát thấy là hoạt động tàu ngầm gia tăng ở khu vực xung quanh cáp dưới biển. Chúng tôi biết rằng những tàu ngầm nhỏ này được sử dụng ở đáy đại dương, và chúng được vận chuyển bằng tàu mẹ. Chúng tôi cũng tin rằng chúng có thể được lắp đặt các loại thiết bị để điều khiển các vật thể trên đáy đại dương".

Do vậy, các tàu ngầm Nga có khả năng cắt đứt hoặc xâm nhập các tuyến dây cáp. Các tuyến cáp quang điện rất mong manh, và tàu thuyền có thể vô tình làm đứt chúng bằng cách kéo các neo dọc theo đáy biển. Đối với những trục trặc xảy ra gần bờ, chi phí sữa chữa còn tương đối thấp. Nhưng nếu chỗ đứt ở đáy Đại Tây Dương thì chi phí sữa chữa hay thay thế sẽ lớn hơn rất nhiều lần.

Ông Lennon từ chối bình luận liệu NATO có tin rằng Nga thực sự tác động vào dây cáp hay không.

Nga có đội tàu ngầm tương đương

WaPo cho hay, chính giới quân sự Nga đã thừa nhận rằng nước này đang tiến hành hoạt động dưới đáy biển nhiều nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Đô đốc hải quân Vladimir Korolev, Tư lệnh Hải quân Nga, cho biết "với 3.000 ngày làm việc trên biển, hạm đội tàu ngầm Nga năm ngoái (2016) đã đạt con số tương đương với trước khi Liên Xô tan rã. Đây là một thành tựu tuyệt vời".

Đối phó với diễn biến mới này, các nước phương Tây đã khôi phục các đơn vị theo dõi tàu ngầm. NATO đã chấm dứt hoạt động này kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc.

Lennon cho biết các nước đồng minh của NATO từ lâu đã thực hành các chiến thuật săn tàu ngầm nhưng cho đến những năm gần đây, các kiến thức này ít khi được vận dụng trong thực tế.

Các tàu ngầm “Quái vật Đại Dương” khủng khiếp nhất của Nga

NATO gấp rút triển khai lực lượng mới chống tàu ngầm Nga

Theo WaPo, căn cứ vào dữ liệu từ các thiết bị theo dõi máy bay sử dụng dữ liệu công khai, Hải quân Mỹ trong những tháng gần đây đã tiến hành các cuộc bay tuần tra qua những khu vực mà tàu ngầm Nga thường hoạt động. Mỹ đã tiến hành ít nhất 10 cuộc tuần tra theo dõi tàu ngầm chỉ riêng trong tháng này, còn tháng trước là 17 chuyến.

NATO không bình luận về chuyến bay theo dõi tàu ngầm cụ thể và từ chối công bố dữ liệu với lý do là tính nhạy cảm của vấn đề. Tuy vậy, các quan chức NATO khẳng định các hoạt động theo dõi tàu ngầm đang gia tăng đáng kể tại Đại Tây Dương.

Tàu ngầm là vũ khí quân sự mang thông điệp chiến tranh vì chúng có thể được sử dụng vũ khí trả đũa trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân, đe dọa các nỗ lực tiếp tế quân sự và mở rộng phạm vi của hỏa lực thông thường trong các xung đột ở cấp thấp.

Các nhà phân tích cho hay, các nước Phương Tây cần rất nhiều chi phí để theo dõi một tàu ngầm Nga hoạt động dưới đáy biển khiến cho nhiều khi sự di chuyển của các tàu ngầm này bị bỏ qua. Tuy nhiên, một số nhà phân tích nói rằng mối đe dọa đối với tuyến dây cáp đã bị thổi phồng.

"Có thể nói, người Nga làm gì với tuyến dây cáp thi họ cũng chỉ làm việc của mình. Chắc chắn, các nước đồng minh của NATO đủ khả năng đối phó với điều này", trích lời cựu đại sứ Anh tại NATO Adam Thomson.

Điều gì khiến NATO run rẩy khi đội tàu ngầm Nga dạo chơi dưới đáy Đại Tây Dương? - Ảnh 3.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (Ảnh: Getty)

Các cuộc săn lùng tàu ngầm của NATO hiện đang trải dài từ biển Baltic qua Địa Trung Hải và Đại Tây Dương, huy động các tàu khu trục cỡ nhỏ và máy bay trực thăng P8 Poseidon trang bị hồng ngoại. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói: "Phía Nga đang hoạt động trên khắp Đại Tây Dương và hoạt động của họ đang ngày càng gần với lãnh thổ của chúng ta".

Theo ông Stoltenberg, sức mạnh tăng cường của hạm đội tàu ngầm Nga đặt ra thách thức cho NATO cần nhanh chóng cải thiện năng lực chiến đấu nếu xảy ra chiến tranh. Ngoài việc thiết lập đơn vị tại Đại Tây Dương, liên minh còn dự định lập thêm đơn vị mới triển khai hoạt động quân sự tại châu Âu một cách nhanh chóng.

Vào cuộc họp tháng trước, các bộ trưởng quốc phòng của NATO đã thông qua việc thành lập đơn vị mới này và sẽ thảo luận chi tiết vào tháng 2/2018. Các kế hoạch vẫn đang được đàm phán, nhưng hiện nay chúng đang thuộc hạm đội Bắc Đại Tây Dương, nằm trong Bộ Tư lệnh Hạm đội Mỹ tại Norfolk. Nếu xảy ra xung đột, lực lượng này sẽ sáp nhập với lực lượng liên quân của NATO.

Stoltenberg nói: "NATO là một liên minh xuyên Đại Tây Dương và Mỹ cần luôn sẵn sàng vượt qua Đại Tây Dương để hỗ trợ đồng minh phía bên kia".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại