Cuộc bỏ phiếu về Jerusalem: Bằng tiền và đe dọa, Mỹ tạo ra tiền lệ nguy hiểm cho LHQ

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Công khai dùng tiền của và sử dụng cả doạ nạt để tác động tới hoạt động của LHQ như cách Mỹ vừa làm là điều xưa nay chưa từng thấy.

Quyết sách mới đây nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan đến tư cách pháp lý của thành phố Jerusalem và dự định chuyển đại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv về Jerusalem đã bị Đại hội đồng Liên hợp quốc bác bỏ và coi không có giá trị gì trong một nghị quyết được thông qua ngày 21/12 vừa qua.

Trong số 193 thành viên hiện tại của LHQ có 128 thành viên ủng hộ nghị quyết này, 9 thành viên chống, 35 thành viên bỏ phiếu trắng và 21 thành viên không tham gia bỏ phiếu. Số 56 thành viên LHQ bỏ phiếu trắng và không tham gia bỏ phiếu biểu quyết này được phía Mỹ xếp vào diện ủng hộ Mỹ theo phương châm "Không chống là ủng hộ".

Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley dự định tổ chức hẳn một buổi tiếp tân ngoại giao vào ngày 3/1 năm tới mời những thành viên LHQ đã bỏ phiếu chống, bỏ phiếu trắng và không tham gia bỏ phiếu để phía Mỹ cám ơn họ.

Làm như thế có phần khiên cưỡng bởi cũng có thể hiểu ở mức độ tương tự rằng "Bỏ phiếu trắng và không tham gia bỏ phiếu biểu quyết là không ủng hộ". Sự mập mờ giữa "không chống" và "không ủng hộ" cũng như lảng tránh phải thể hiện quan điểm thái độ bằng cách không tham gia bỏ phiếu biểu quyết là chiêu thức khá phổ biến trong hoạt động của LHQ. Nó giúp các thành viên xử lý những tình huống khó xử.

Tiền lệ nguy hiểm đối với LHQ

Cuộc bỏ phiếu về Jerusalem: Bằng tiền và đe dọa, Mỹ tạo ra tiền lệ nguy hiểm cho LHQ - Ảnh 1.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley biểu quyết chống nghị quyết bác bỏ quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Ảnh: Reuters

Liên quan đến nghị quyết vừa rồi của ĐHĐ LHQ, số 56 thành viên này không quyết đứng về phía Mỹ nhưng lại ngại nếu biểu quyết bất lợi đối với Mỹ thì sẽ bị tổn hại trong quan hệ với Mỹ.

Cùng Mỹ bỏ phiếu chống chỉ có Israel, Honduras, Guantemala và những đảo quốc tí hon là Đảo Marshall, Micronesia, Nauru, Palau và Togo. Có 5 thành viên liên minh châu Âu (EU) bỏ phiếu trắng khiến cho EU không cùng một tiếng nói trong chuyện này. Cả Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng vậy khi Philippines bỏ phiếu trắng và Myanmar không tham gia bỏ phiếu biểu quyết.

Nghị quyết được ĐHĐ LHQ thông qua với hơn đa số hai phần ba nhưng cũng phải thật sự khách quan để xác nhận rằng chiêu thức mà phía Mỹ đã vận dụng để ngăn cản ĐHĐ LHQ thông qua nghị quyết này không phải không có tác dụng gì.

Mọi dự đoán ban đầu đều cho thấy ít nhất có hơn 150 thành viên LHQ ủng hộ nghị quyết trên trong khi kết quả cuối cùng là 128. Và chiêu thức ấy tạo tiền lệ nguy hiểm đối với thể diện và uy quyền của LHQ.

Trước sự kiện này tại ĐHĐ LHQ, Mỹ đã phủ quyết - lần đầu tiên kể từ 5 năm nay Mỹ sử dụng quyền phủ quyết trong HĐBA LHQ và là thành viên duy nhất trong 15 thành viên của HĐBA LHQ chống dự thảo nghị quyết của Ai Cập với nội dung bác bỏ quyết sách nói trên của ông Trump, đòi phía Mỹ rút lại quyết định ấy và yêu cầu các thành viên LHQ không ủng hộ Mỹ.

Cũng vì thế mà Palestine cùng với Thổ Nhĩ Kỳ trên cương vị chủ tịch đương nhiệm của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) và Yemen với tư cách là trưởng nhóm các nước Ả Rập trong LHQ đưa ra ĐHĐ LHQ dự thảo nghị quyết với nội dung tương tự.

Tại đây, mỗi thành viên có một lá phiếu biểu quyết và mọi lá phiếu đều có giá trị như nhau, không thành viên nào có quyền phủ quyết. Nghị quyết của ĐHĐ LHQ không có hiệu lực bắt buộc đối với các thành viên như nghị quyết của HĐBA LHQ nhưng vẫn có ý nghĩa chính trị to lớn vì phản ánh quan điểm chung của đa số trên thế giới, đưa lại hình ảnh ai được ủng hộ rộng rãi và ai bị cô lập.

Trong hơn 70 năm qua kể từ khi được thành lập đến nay, LHQ đã có vô số nghị quyết như thế. Quyết sách nói trên của ông Trump đã ngay lập tức bị dư luận rộng rãi trên thế giới phản đối nên ngay từ đầu đã có thể thấy dự thảo nghị quyết của Palestine, Thổ Nhĩ Kỳ và Yemen chắc chắn sẽ được thông qua. Nếu chỉ như vậy thì phía Mỹ đương nhiên không thể tránh khỏi một thất bại chính trị ở LHQ nhưng trên thực tế cũng chỉ đến như vậy.

Ông Trump và bà Haley đã làm cho "một con muỗi trở thành một con voi" khi dùng viện trợ tài chính và cả mối quan hệ của Mỹ với các nước để khống chế các thành viên LHQ nhằm buộc họ ủng hộ Mỹ và chống nghị quyết, doạ sẽ ghi sổ thái độ của các nước và cắt viện trợ những thành viên không ủng hộ Mỹ.

Như thế đâu có khác gì chủ ý dùng tiền để mua lá phiếu biểu quyết, mà lại còn làm việc ấy công khai và sử dụng cả răn đe và doạ nạt. Rõ ràng là phía ông Trump rất coi trọng chuyện này và đã tìm mọi cách để tránh bị thất bại.

Cuộc bỏ phiếu về Jerusalem: Bằng tiền và đe dọa, Mỹ tạo ra tiền lệ nguy hiểm cho LHQ - Ảnh 2.

Xem ra, phía ông Trump lo ngại rằng thất bại trong ĐHĐ LHQ không chỉ là chuyện bị tổn hại về thể diện và uy danh mà còn bị phơi bày là sai lầm, không chỉ không nhận được sự tán đồng của bên ngoài mà còn bị cô lập, không chỉ không gây dựng được vai trò dẫn dắt trong mọi chuyện liên quan đến tiến trình hoà bình và hoà giải giữa Israel và Palestine mà còn không được tin tưởng và tín nhiệm nữa trong vai trò trung gian hoà giải.

Ông Trump vốn không coi trọng LHQ và từ khi lên cầm quyền ở Mỹ đến nay đã có một số quyết sách gây bất lợi và khó khăn cho LHQ. Nhưng công khai dùng tiền của và sử dụng cả doạ nạt để tác động tới hoạt động của LHQ như Mỹ vừa làm thì xưa nay chưa từng thấy bao giờ.

Tiền lệ này huỷ hoại nền tảng pháp lý và đạo lý của hoạt động của LHQ, làm tổn hại cả thể diện lẫn uy danh của LHQ và ảnh hưởng tiêu cực tới việc LHQ thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình.

Tới đây, rất có thể phía Mỹ sẽ còn tiếp tục giảm đóng góp tài chính cho ngân quỹ của LHQ và giảm mức độ tham gia của Mỹ vào những hoạt động chung của LHQ, gây khó khăn thêm cho LHQ. Cũng vì thế mà các thành viên LHQ từ giờ có thêm trách nhiệm lớn là kiềm chế tác động tai hại của tiền lệ và ngăn cản nó trở thành thông lệ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại