NATO hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine nhưng từ chối áp đặt vùng cấm bay

Vũ Anh Tuấn |

NATO ngày 25/3 tuyên bố sẽ cung cấp hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine đồng thời củng cố lực lượng ở khu vực sườn phía Đông.

Tổng thư ký NATO Stoltenberg. Ảnh: Reuters

Tổng thư ký NATO Stoltenberg. Ảnh: Reuters

Tuyên bố được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại Brussels, Bỉ nhằm thảo luận về tình hình an ninh của khối, đặc biệt trong bối cảnh cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đang diễn ra. Tuy nhiên, NATO vẫn từ chối lời đề nghị áp đặt vùng cấm bay của Ukraine do lo ngại leo thang quân sự với Nga.

Các nhà lãnh đạo NATO đã phê duyệt việc triển khai các lực lượng dự bị ở Bulgaria, Romania, Slovakia, bên cạnh các nhóm binh sĩ đã được bố trí ở các nước Baltic và ở Ba Lan, nâng tổng số quân dự bị đa quốc gia của NATO, từ biển Baltic đến Biển Đen, lên 8 nhóm. Ngoài các binh sĩ châu Âu, 100.000 binh sĩ Mỹ cũng được triển khai để hỗ trợ nỗ lực của NATO. Ngoài ra, NATO sẽ triển khai thêm lực lượng ở phía Đông của liên minh, đặc biệt là sẽ triển khai thêm nhiều máy bay và tăng cường khả năng phòng thủ đất đối không tích hợp, các nhóm tàu chiến, tàu ngầm với số lượng lớn cũng như các tàu chiến đấu sẽ sẵn sàng mọi lúc.

Dù vậy, các thành viên NATO đã từ chối lời đề nghị áp đặt vùng cấm bay của Ukraine cũng như tuyên bố sẽ không gửi quân đến nước này vì sợ bị kéo vào một cuộc đối đầu quân sự toàn diện với Nga.

Tổng thư ký NATO Stoltenberg nói: “Chúng tôi cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không tiên tiến, vũ khí chống tăng, đạn dược và nhiên liệu nhưng chúng tôi cũng đã nói rõ rằng chúng tôi sẽ không gửi quân NATO đến Ukraine hoặc gửi quân tham gia cuộc xung đột này. Chúng tôi làm điều đó bởi vì chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo rằng cuộc xung đột này không leo thang ra ngoài lãnh thổ Ukraine, sẽ gây ra nhiều đau khổ hơn, thậm chí nhiều chết chóc và tàn phá hơn”.

Tại cuộc họp của NATO, các nhà lãnh đạo thành viên của khối quân sự này cho biết đã sẵn sàng gia tăng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga nếu cần thiết.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói: “Các phân tích mà tất cả chúng tôi đã chỉ ra rằng các lệnh trừng phạt này có tác động và những tác động này là hữu hình đối với nền kinh tế của Nga. Tất nhiên chúng tôi hoàn toàn sẵn sàng gia tăng các biện pháp trừng phạt này mỗi khi cần thiết”.

Trong một động thái nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 23/3 cho biết các quốc gia "thiếu thân thiện" phải bắt đầu trả bằng đồng rúp (ruble) cho mua dầu và khí đốt.

“Khác với một số đồng nghiệp, chúng ta coi trọng vị thế là đối tác và nhà cung cấp đáng tin cậy. Tất nhiên Nga sẽ tiếp tục cung cấp khí tự nhiên với số lượng và mức giá được thống nhất trong các hợp đồng từ trước. Thay đổi duy nhất là phương thức thanh toán, trong đó sẽ sử dụng đồng rúp của Nga”, ông Putin nhấn mạnh.

Danh sách "thiếu thân thiện" gồm các quốc gia đã áp đặt cấm vận Nga, trong đó có Mỹ, các nước thành viên EU, Anh, Ukraine…

Phản ứng về diễn biến trên, nhiều nhà lãnh đạo EU tại cuộc họp NATO cho biết, yêu cầu của Tổng thống Nga là vi phạm hợp đồng và các nước sẽ thảo luận với các đối tác châu Âu để tìm cách thức ứng phó./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại