Nhiều tuần trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Warsaw, 3 siêu cường quân sự lớn nhất của khối là Anh, Đức, Mỹ tuyên bố mỗi nước sẽ chỉ huy một tiểu đoàn dọc tuyến phía đông để hỗ trợ ngăn chặn bất kỳ hành động phô trương lực lượng nào giống như đợt Nga điều quân ở Crimea năm 2014.
"Anh sẽ chỉ huy một trong các tiểu đoàn”, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon cho biết tại Hội nghị các bộ trưởng quốc phòng NATO. Ông này cho biết thêm, Anh sẽ triển khai 700 binh sĩ tới vùng Baltic và Ba Lan.
Các tiểu đoàn trên của NATO là một phần trong kế hoạch lớn hơn nhằm ngăn chặn Nga dự kiến sẽ được phê chuẩn tại Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7 tới ở Warsaw. Kế hoạch trên có sự tham gia của đơn vị phản ứng nhanh rất mạnh của NATO với quân số lên tới 40.000.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh kiểm tra đột xuất khả năng sẵn sàng chiến đấu của toàn bộ lực lượng vũ trang nước này.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu ngày 14/6 nói rằng việc kiểm tra đột xuất sẽ bắt đầu từ 7h ngày 14/6-22/6. Các kho vũ khí, cơ quan quân sự đều có thể bị kiểm tra. Ông Shoigu nói việc kiểm tra trong ngày đầu tiên sẽ tập trung vào điều kiện sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị.
Hiện chưa rõ có bao nhiêu đơn vị tham gia, song cuộc tập trận đột xuất này chủ yếu tập trung vào các bài kiểm tra đối với bộ chỉ huy quân sự, chương trình điều động và các đơn vị dự bị. "Qua kiểm tra, chúng tôi sẽ đánh giá nguồn cung ứng kho đạn và vũ khí cũng như các đơn vị khác thuộc bộ chỉ huy quân sự" - ông Shoygu nói.
Ngoài ra, các cuộc tập trận cũng sẽ đánh giá về tốc độ điều động của các đơn vị dự bị cho các trường hợp chống thiên tai thảm họa cũng như xung đột vũ trang.
Tạp chí Newsweek dẫn lời ông Lukasz Kulesa, nhà phân tích thuộc viện chiến lược Mạng lưới lãnh đạo châu Âu (trụ sở London, Anh) nhận định không phải ngẫu nhiên mà lệnh kiểm tra tình trạng sẵn sàng của quân đội Nga được đưa ra gần thời điểm NATO có cuộc họp thượng đỉnh vào đầu tháng 8.
"Tôi chắc chắn rằng một phần lý do Nga tiến hành cuộc tập trận là nhằm đáp trả lại các cuộc tập trận của NATO ở Đông Âu và Biển Baltic, đồng thời phát đi tín hiệu rằng Nga sẽ không bị đe dọa bởi những quan điểm của NATO tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới" - ông Kulesa nói.
Các cuộc tập trận đột xuất của quân đội Nga được tiến hành thường xuyên kể từ khi quan hệ giữa Nga và phương Tây xấu đi do cuộc khủng hoảng ở Ukraine năm 2014.
NATO nhiều lần cáo buộc Nga sử dụng những cuộc tập trận như vậy để leo thang căng thẳng và phô diễn sức mạnh quân sự. Song, Nga tuyên bố những biện pháp này hoàn toàn mang tính tự vệ và việc duy trì khả năng sẵn sàng chiến đầu của Nga là để bảo vệ đất nước trong trường hợp bị tấn công.