NATO củng cố hệ thống phòng thủ ở sườn phía Đông

Công Thuận |

NATO đang củng cố hệ thống phòng thủ ở sườn phía Đông của Liên minh quân sự này sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra.

NATO củng cố hệ thống phòng thủ ở sườn phía Đông - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: AFP

Theo hãng tin AFP ngày 23/5, 15 tháng sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra và một tháng trước hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo NATO ở Vilnius, liên minh này đang tăng cường củng cố hệ thống phòng thủ sườn phía Đông.

Ở Estonia, bên sườn phía Đông của NATO, các thành viên mới khởi động cuộc tập trận mang tên Spring Storm (Bão táp mùa Xuân) khi quân đội Mỹ thực hiện một cuộc tấn công giả định bằng máy bay, thủy quân lục chiến Anh thực hành đổ bộ bãi biển vào ban đêm và lính dù Pháp đổ bộ từ trên không sau khi bay qua châu Âu.

Trung tá Edouard Bros, chỉ huy quân đội Pháp tại Estonia đang tham gia cuộc tập trận Spring Storm, cho biết: “Cuộc diễn tập cho thấy trong một thời gian ngắn, chúng ta có thể triển khai rất nhanh".

Trong khi đó, Kristjan Mae, người đứng đầu bộ phận hoạch định chính sách tại Bộ Quốc phòng Estonia cho biết: “Điều rõ ràng là NATO đã thực hiện thay đổi chiến lược. Phòng thủ tập thể là nhiệm vụ quan trọng nhất và chúng ta cần phải cấu trúc lại hệ thống của mình".

“Sự thay đổi này sẽ chuyển NATO từ một liên minh được tối ưu hóa cho các hoạt động dự phòng ngoài khu vực thành một liên minh phù hợp với mục đích thực hiện các chiến dịch quy mô lớn để bảo vệ từng thành viên. Điều này là cần thiết bởi những thực tế mới mà chúng ta phải đối mặt”, Tướng Mỹ Christopher Cavoli, chỉ huy tối cao của NATO tại châu Âu, cho biết.

Kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, NATO đã bổ sung thêm hàng nghìn binh sĩ cho sườn phía Đông. Cụ thể, NATO đã triển khai thêm 4 “nhóm chiến đấu” đa quốc gia ở Slovakia, Hungary, Romania và Bulgaria. Trước đó, NATO đã có những nhóm được thành lập ở biên giới của Nga ở Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic sau sự kiện Moskva sáp nhập Crimea năm 2014.

Hiện các thành viên NATO đang lên kế hoạch làm thế nào để mở rộng quy mô triển khai tới các quốc gia Baltic và Ba Lan lên cấp lữ đoàn, điều đó có nghĩa là sẽ được bổ sung thêm hàng nghìn binh sĩ mới.

Về ngân sách quốc phòng, trước hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius, các thành viên NATO đang thảo luận về một cam kết mới nhằm tăng chi tiêu quốc phòng tính theo phần trăm GDP.

Đến nay chỉ 7 thành viên NATO đạt được mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng và mục tiêu của hội nghị ở Vilnius sẽ là đồng ý biến mục tiêu đó thành giới hạn tối thiểu. Estonia thậm chí còn muốn các đồng minh cam kết chi 2,5% GDP cho quốc phòng.

Trong khi đó, Nga và Trung Quốc cho biết họ phản đối NATO mở rộng hơn nữa và kêu gọi tổ chức này từ bỏ các phương pháp tiếp cận theo ý thức hệ Chiến tranh Lạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại