Binh sĩ Ukraine trên xe chiến đấu bọc thép tại một địa điểm không xác định ở miền Đông Ukraine. Ảnh: Reuters
Hãng thông tấn TASS dẫn nhận định của ông Rogov cho rằng Ukraine sẽ tìm cách để khiến hội nghị thượng đỉnh NATO đưa ra quyết định về triển khai một lực lượng giới hạn từ Ba Lan và các nước ở vùng Baltic.
Đối với các vùng lãnh thổ mà lực lượng này có thể được triển khai, ông Rogov lưu ý rằng Ba Lan quan tâm đến các khu vực phía Tây Ukraine.
Bình luận của ông Rogov được đưa ra sau khi Tổng thống Litva Gitanas Nausea tuyên bố Ukraine sẽ không nhận được lời mời gia nhập NATO tại Hội nghị thượng đỉnh liên minh ở Vilnius. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Litva cho hay trong những ngày còn lại trước hội nghị, các thành viên NATO sẽ đưa ra quyết định không làm Ukraine thất vọng. Ông Nausea cho rằng đó sẽ không chỉ là một cam kết chấp thuận kết nạp Ukraine sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt kết thúc.
Trước hội nghị thượng đỉnh dự kiến được tổ chức tại Vilnius vào ngày 11-12/7 sắp tới, Kiev đã tăng cường kêu gọi NATO xem xét tư cách thành viên của nước này.
Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng Ukraine không thể tham gia liên minh chừng nào nước này còn ở trong tình trạng xung đột vũ trang. Theo người đứng đầu NATO, hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius sẽ đưa Ukraine đến gần hơn với liên minh và họ có kế hoạch thành lập Hội đồng Ukraine - NATO trong hội nghị lần này.
Tổng thống Zelensky cho hay việc không được mời gia nhập NATO sẽ khiến quân đội Ukraine mất tinh thần chiến đấu. Văn phòng Tổng thống cảnh báo rằng ông Zelensky sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh nếu các nhà lãnh đạo NATO “không thể hiện sự can đảm” về vấn đề tư cách thành viên của Ukraine.
Trong khi đó, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố việc Kiev phấn đấu trở thành thành viên NATO chứng tỏ Kiev không sẵn lòng và không có khả năng giải quyết xung đột trên bàn đàm phán. Ông nhấn mạnh rằng Nga sẽ tiếp tục nỗ lực để đảm bảo an ninh của mình, trong đó loại trừ việc NATO mở rộng bằng cách kết nạp Ukraine và do đó tiếp cận biên giới Nga.