Thông tin trên được tờ Pravda của Ukraine dẫn từ tuyên bố của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ba Lan Andrzej Szejna ngày 26-3.
"NATO đang phân tích nhiều phương án khác nhau để ứng phó các tình huống, trong đó có việc bắn hạ những tên lửa khi chúng bay rất gần biên giới NATO. Trong trường hợp này, tên lửa NATO có thể sẽ bắn hạ tên lửa Nga bên ngoài lãnh thổ của liên minh" - ông Szejna quả quyết và nhấn mạnh – "Tuy nhiên, điều này cần sự đồng ý của phía Ukraine và có tính đến những hệ quả quốc tế liên quan".
Tuyên bố từ phía Warsaw diễn ra trong bối cảnh giới chức Ba Lan hôm 24-3 cho biết một tên lửa hành trình của Nga vượt qua biên giới, bay trong không phận nước này khoảng 39 giây trước khi sang Ukraine để tấn công mục tiêu.
Quả tên lửa của Nga được cho là đi sâu vào lãnh thổ Ba Lan khoảng 2 km.
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz trước đó nói rằng nước này đã kích hoạt tất cả hệ thống phòng không trong vụ tên lửa Nga xâm nhập, sẵn sàng bắn hạ nếu có dấu hiệu tên lửa hướng tới mục tiêu trên lãnh thổ Ba Lan.
Liên quan đến vụ việc, Bộ Ngoại giao Ba Lan sau đó yêu cầu đại sứ Ngatại Ba Lan Sergey Andreyev tới cơ quan để giải thích. Tuy nhiên, ông Andeyev không đến theo yêu cầu triệu tập.
Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radoslaw Sikorski sau đó cũng đã thảo luận với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg về sự cố.
"NATO đã tăng cường đáng kể trạng trạng thái cảnh giác và tư thế sẵn sàng ở sườn phía Đông liên minh, trong đó có Ba Lan" - một quan chức NATO dẫn lời ông Stoltenberg.
Kể từ khi xảy ra xung đột Nga – Ukraine, phía Ba Lan đã ít nhất ba lần nói rằng bị "tên lửa nước ngoài" xâm nhập không phận, bao gồm vào tháng 11-2022 và tháng 12-2023.
Mỹ nói NATO cam kết "sắt đá" với Ba Lan
Mỹ nhấn mạnh rằng cam kết của NATO với Ba Lan là "sắt thép" sau khi Warsaw cho biết một tên lửa của Nga đã xâm phạm không phận của họ hôm 24-3.
"Cam kết của chúng tôi với NATO và an ninh của các thành viên NATO, trong đó có Ba Lan là sắt đá và sẽ không dao động" – phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nhấn mạnh.