Ẩn số nước cờ tiếp theo của Mỹ ở Syria
Tháng trước, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã kêu gọi các nước vùng Vịnh sẽ thành lập một lực lượng quân sự chung được mệnh danh là "NATO của Ả Rập" thay thế vai trò của mình bằng việc gửi quân đến Syria khi lực lượng của Mỹ rời khỏi nơi đây.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Hisham Jaber - người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu và Quan hệ công chúng Trung Đông - ngay cả khi Saudi Arabia gửi quân đến Syria, quân đội Mỹ sẽ không giữ đúng lời hứa của mình.
"Dù quân đội Saudi có chấp thuận đến Syria, Washington sẽ không hoàn toàn rút quân về và để cho người Ả Rập toàn quyền quyết định ở đây. Người Mỹ sẽ vẫn ở lại, tùy thuộc vào quy mô của lực lượng Saudi và người Ả Rập sẽ trả tiền duy trì cho Washington", Jaber nhận định.
Trong đó chuyên gia này cũng bày tỏ mối nghi ngờ về mục đích chống khủng bố IS của Washington ở quốc gia Trung Đông: "Nhìn vào bản đồ Syria, chúng ta thấy thật ngẫu nhiên khi lãnh thổ an toàn của khủng bố ở phía Đông đất nước lại là nơi hiện diện của lực lượng quân sự Mỹ".
Trước đó hôm 10/4, hãng tin SANA của Syria đưa tin về việc trực thăng quân sự của Mỹ bị cáo buộc đã giúp sơ tán một số chỉ huy IS ra khỏi tỉnh al-Hasakah. Đây là cáo buộc mới nhất, nối tiếp một loạt các vụ việc trước đó tố Mỹ có liên hệ mờ ám với khủng bố.
Tranh cãi về chi phí
Trong số các nước được Mỹ nhắm cho vai trò đứng đầu liên quân Ả Rập, Qatar và Saudi Arabia là hai cái tên đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, hai nước vẫn đang đùn đẩy trách nhiệm trả chi phí cho sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Syria.
Hôm 25/4, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir đã chỉ đích danh Qatar nên là nước tài trợ cho sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Syria và gửi các lực lượng của mình tới quốc gia Trung Đông.
Nếu không, Washington sẽ rút quân khỏi căn cứ quân sự ở Qatar và chính quyền của Sheikh Tamim Bin Hamad Al-Thani sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng.
Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani không hài lòng với lời kêu gọi của Saudi Arabia.
Theo các nhà phân tích, Riyadh và Doha có khả năng bị sa lầy trong một cuộc tranh luận về việc ai sẽ phải trả tiền cho Mỹ và ai sẽ miễn cưỡng phải dẫn đầu lực lượng quân sự chung.
Vấn đề thứ hai được cho là khó giải quyết hơn vì xung đột hiện tại giữa các quốc gia, trong đó có cuộc khủng hoảng ngoại giaogiữa Doha và các nước láng giềng vùng Vịnh kể từ tháng 6/2017.
Mỹ sẽ chọn Qatar làm mũi nhọn ở Syria?
Mặc dù tin tưởng ở Saudi Arabia nhưng Mỹ dường như muốn Qatar sẽ dẫn đầu các nỗ lực triển khai quân sự tại Syria, nhà phân tích chính trị chuyên về các vấn đề Trung Đông, Ali al-Mashaani, nói với Sputnik.
Theo al-Mashaani, Washington từ trước đến nay vẫn thông qua một "cách tiếp cận chính trị kép" đối với vai trò của Qatar trong cuộc khủng hoảng Syria.
Một mặt, các chính trị gia Mỹ bày tỏ lòng cảm kích Doha với những gì mà quốc gia vùng Vịnh ủng hộ dành cho mình. Nhưng mặt khác, họ lại bênh vực Saudi Arabia và kêu gọi Doha ngừng hỗ trợ khủng bố.
"Washington muốn thoát ra khỏi tình thế mâu thuẫn hiện tại", al-Mashaani lưu ý. "Trong khi Qatar sẽ phải buộc phải nghe lời và thực hiện các kế hoạch mà Mỹ yêu cầu trong khu vực".
Đồng tình với quan điểm trên, nhà phân tích chính trị Mubarak al-Ati cho rằng, ngay từ đầu Doha đã là nước được Tổng thống Trump chỉ mặt điểm tên cho vai trò dẫn đầu liên minh Ả Rập.
"Rõ ràng là những tuyên bố của Trump đã được gửi trực tiếp tới Qatar", al-Ati nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Doha tỏ ra không nhiệt tình về kế hoạch của Washington, đặc biệt trong việc phải bỏ tiền tài trợ cho quân đội Mỹ tại Syria và gửi quân đội của mình tới đó. Hơn nữa, Qatar không hài lòng khi Saudi Arabia đứng ra nắm vai trò dẫn đầu như mọi khi mà đùn đẩy trách nhiệm này cho mình.
Đáp lại tuyên bố của Saudi Arabia, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani gọi đây là một nỗ lực gây ảnh hưởng đến dư luận của Riyadh để buộc Doha phải miễn cưỡng làm theo lời Mỹ.
"Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Saudi không xứng đáng là một câu trả lời. Qatar từ chối tẩy não ý kiến công chúng trong thế giới Ả Rập theo cách như vậy", Al-Thani nói. "Doha nhấn mạnh về việc phát triển một giải pháp chính trị cho vấn đề Syria".