NASA tiếp tục hoãn phóng tàu thăm dò mặt trăng Artemis do rò rỉ nhiên liệu

Quỳnh Chi |

Ngày 3/9, NASA đã lần thứ hai hoãn phóng tên lửa 30 tầng mới lên mặt trăng sau khi các kỹ sư phát hiện rò rỉ nhiên liệu.

NASA tiếp tục hoãn phóng tàu thăm dò mặt trăng Artemis do rò rỉ nhiên liệu - Ảnh 1.

Tàu thăm dò mặt trăng mới của NASA trên bệ phóng 39-B. (Ảnh: AP)

Trong khi hàng triệu người trên toàn cầu và hàng trăm nghìn người trên các bãi biển địa điểm phóng tàu thăm dò mặt trăng đang chờ vụ phóng lịch sử của Hệ thống phóng không gian khổng lồ (SLS), một vết rò rỉ gần đế tên lửa đã được phát hiện khi hydro lỏng cực lạnh được bơm vào.

NASA cho biết trong một tuyên bố: "Giám đốc phụ trách vụ phóng đã từ chối việc phóng Artemis 1 trong ngày hôm nay. Nhiều nỗ lực khắc phục sự cố để giải quyết khu vực rò rỉ đã được thực hiện nhưng không thành công".

Mặc dù khu vực xung quanh bãi phóng đã bị đóng cửa nhưng ước tính có khoảng 400.000 người đã tụ tập gần đó để chứng kiến và nghe tàu mạnh nhất mà NASA từng phóng lên vũ trụ.

Trước đó, nỗ lực phóng tên lửa lần đầu tiên vào ngày 29/8 đã bị tạm dừng sau khi các kỹ sư phát hiện rò rỉ nhiên liệu và một cảm biến cho thấy, một trong bốn động cơ chính của tên lửa bị quá nóng.

Ngày 3/9, Giám đốc phụ trách vụ phóng Charlie Blackwell-Thompson đã cho phép bắt đầu đổ đầy nhiên liệu đông lạnh vào các thùng chứa của tên lửa. Khoảng 3 triệu lít hydro lỏng cực lạnh và oxy sẽ được bơm vào tàu vũ trụ, nhưng quá trình này sớm gặp trục trặc.

NASA tiếp tục hoãn phóng tàu thăm dò mặt trăng Artemis do rò rỉ nhiên liệu - Ảnh 2.

Tàu thăm dò mặt trăng của NASA tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida, Mỹ, ngày 1/9/2022. (Ảnh: AP)

Hiện thời gian cho lần phóng thử tiếp theo chưa được công bố ngay lập tức.

Sau lần hoãn gần đây nhất, các cơ hội phóng dự phòng có khả năng vào ngày 5/9 hoặc 6/9. Sau đó, cửa sổ phóng tiếp theo sẽ phải đến ngày 19/9 phụ thuộc vào vị trí của mặt trăng.

Artemis I là sứ mệnh đầu tiên trong chương trình thám hiểm mặt trăng Artemis, nhằm đưa con người hạ cánh xuống Mặt Trăng ở khu vực chưa từng được khám phá trước đây. Mục tiêu của sứ mệnh Artemis 1 là xác định rằng tàu vũ trụ Orion sử dụng Hệ thống phóng SLS có an toàn để đưa các phi hành gia lên mặt trăng trong tương lai hay không.

Sẽ mất vài ngày để tàu vũ trụ tiếp cận mặt trăng, bay khoảng 60 dặm (100 km) ở cách tiếp cận gần nhất.

Chuyến đi dự kiến ​​kéo dài khoảng 6 tuần. Khi quay trở lại bầu khí quyển của Trái đất, lá chắn nhiệt sẽ phải chịu được tốc độ 25.000 dặm/h và nhiệt độ 5.000 độ F (2.760°C), nóng bằng 50% mức nhiệt mặt trời.

Một cuộc kiểm toán của Chính phủ Mỹ ước tính, chi phí của chương trình Artemis sẽ tăng lên 93 tỷ USD vào năm 2025, trong đó mỗi sứ mệnh trong số 4 lần phóng đạt con số khổng lồ 4,1 tỷ USD cho mỗi lần phóng.

Sứ mệnh tiếp theo Artemis 2 sẽ đưa các phi hành gia lên mặt trăng mà không cần đáp xuống bề mặt của nó.

Phi hành đoàn của Artemis 3 sẽ hạ cánh sớm nhất trên mặt trăng vào năm 2025, với các sứ mệnh sau đó là dự kiến ​​đặt một trạm vũ trụ trên mặt trăng và hiện diện bền vững trên bề mặt mặt trăng.

Theo ông Bill Nelson, Giám đốc NASA, một chuyến đi có người lái đến hành tinh đỏ trên tàu Orion, kéo dài vài năm, có thể được thực hiện vào cuối những năm 2030.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại