Theo tờ CNBC News (Mỹ), các con sông ở châu Âu đang khô cạn sau đợt nắng nóng kéo dài, làm dấy lên lo ngại về vấn đề sản xuất lương thực và năng lượng trong bối cảnh lạm phát đang bùng nổ ở lục địa già.
Ở Pháp, có thể đi bộ qua sông Loire ở một số đoạn lòng sông; có những lo ngại rằng mực nước trên sông Rhine, một trong những tuyến đường thủy quan trọng của châu Âu, giảm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông thương mại ; hay sông Po của Ý khô cạn để lộ ra các hiện vật có từ thời Thế chiến thứ hai - bao gồm một sà lan dài 50 mét và một quả bom lớn.
"Chúng tôi đã không chứng kiến mức độ hạn hán này trong một thời gian dài. Mực nước ở một số tuyến đường thủy chính thấp hơn mức đã ghi nhận trong nhiều thập kỷ", ông Matthew Oxenford, nhà phân tích cấp cao về chính sách khí hậu và châu Âu tại The Economist Intelligence Unit nói với CNBC qua điện thoại.
Ông này nói thêm, đối với một số kênh đào chính, lòng sông bị thu hẹp, có khi dòng sông không có đủ mực nước cho tàu thuyền di chuyển.
Hạn hán tồi tệ nhất trong 500 năm
Theo một phân tích sơ bộ từ Trung tâm Nghiên cứu Chung của Liên minh Châu Âu (EU), châu Âu đang ở giữa đợt hạn hán tồi tệ nhất mà khu vực từng chứng kiến trong ít nhất 500 năm.
Tính đến đầu tháng 8, báo cáo của Đài quan sát Hạn hán Toàn cầu cho biết, khoảng 2/3 diện tích châu Âu đang nằm trong diện cảnh báo hạn hán, nghĩa là đất đã khô và thảm thực vật "có dấu hiệu căng thẳng".
Xác tàu chiến của Đức trong Thế chiến Hai được nhìn thấy trên sông Danube,Serbia vào tháng 8 vừa qua. Ảnh: Reuters
Hầu hết các con sông ở châu Âu đã khô cạn ở một mức độ nào đó, trong khi căng thẳng về nước và nhiệt đã "làm giảm đáng kể" năng suất cây trồng mùa hè. Dự báo đối với các loại ngũ cốc như ngô, đậu nành và hướng dương dự kiến sẽ thấp hơn lần lượt 16%, 15% và 12% so với mức trung bình của 5 năm trước.
Trong khi đó, giá lương thực vẫn ở mức cao trong bối cảnh Ukraine, nhà sản xuất hàng đầu của các mặt hàng như lúa mì, ngô và dầu hướng dương, vẫn đang rơi vào xung đột.
EU từng cảnh báo rằng, nhiệt độ ở khu vực Tây Âu-Địa Trung Hải có thể sẽ ấm hơn và khô hơn bình thường cho đến tháng 11.
Chắc chắn, tình trạng khẩn cấp về khí hậu ngày càng sâu sắc đã làm cho nắng nóng và hạn hán trở nên nghiêm trọng hơn và lan rộng hơn. Và tình trạng nhiệt độ ban đêm thấp hơn ban ngày giúp giảm nhiệt đang biến mất khi hành tinh ấm lên.
"Vấn đề là mức độ nghiêm trọng của đợt hạn hán đặc biệt này", ông Axel Bronsted, Giáo sư về thủy văn và khí hậu tại Đại học Potsdam ở Đức, nói với CNBC.
"Nếu lớn lên ở Trung Âu, mọi người thường thích mặt trời - nhưng bây giờ họ lại hy vọng có mưa", ông Bronstert nói rằng trước đây chưa từng có chuyện một số con sông trong khu vực cạn kiệt hoàn toàn vào thời điểm này trong năm. .
Ông nói thêm: "Nếu không có lượng mưa lớn thực sự trong vài tuần tới, thì khả năng cao là mực nước sẽ tiếp tục giảm".
Ngoài các tác động đến sinh thái và sức khỏe, ông Bronstert cho biết, khô hạn cũng khiến nhiều loại cây trồng ở Đức mất mùa.
Giá thực phẩm và năng lượng tăng cao đã thúc đẩy lạm phát tăng mạnh, đặc biệt giá tiêu dùng tăng lên mức cao mới 9,1% trong tháng 8 tại 19 quốc gia sử dụng đồng euro.
Chuyên gia Oxenford cho biết: "Những hiện tượng dị thường như thế này sẽ trở nên phổ biến hơn trong những năm tới vì biến đổi khí hậu". Ông nhắc tới tình trạng hạn hán, mưa bão, sóng nhiệt và lũ lụt nghiêm trọng ở Châu Âu.
"Vì vậy, tôi nghĩ cách đối phó với tác động kinh tế của tất cả những điều này là các quốc gia sẽ cần đầu tư nhiều hơn vào việc chuẩn bị sẵn sàng cho những điều mà trước đây rất không phổ biến nhưng giờ đây sẽ trở nên phổ biến hơn nhiều khi biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến rất nhiều mô hình hoạt động đã được xây dựng trong nhiều thế kỷ".
Chạy đua để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng
Chuyên gia Oxenford nhận định, tác động kinh tế của các tuyến đường thủy đang bốc hơi ở châu Âu có thể là "nhiều mặt".
Có chiều dài khoảng 1.320 km, sông Rhine là một trong những con sông dài nhất và quan trọng nhất ở châu Âu. Nó kết nối Rotterdam, cảng chính của Hà Lan, qua trung tâm công nghiệp của Đức, và xa hơn về phía nam vào nội địa Thụy Sĩ.
Mực nước sông Loire đang ở mức thấp nhất khi châu Âu trải qua trận hạn hán tồi tệ nhất trong ít nhất 500 năm. Ảnh: Getty
Mực nước ở sông Rhine của Đức đã ổn định trên mức khủng hoảng trong những tuần gần đây. Tuy nhiên, những dự báo về nắng nóng kéo dài và lượng mưa ít đã làm dấy lên lo ngại rằng việc vận chuyển từ thực phẩm, hóa chất đến năng lượng có thể sớm bị đình trệ.
Theo dữ liệu của chính phủ Đức, mực nước ở Kaub - một trạm đo phía tây Frankfurt và là điểm tắc nghẽn quan trọng của vận tải đường thủy - dự kiến sẽ giảm xuống 86 cm vào cuối tuần này.
Trong năm 2018, mực nước sông Rhine giảm xuống chỉ còn 30 cm ở một số nơi, buộc các tàu phải tạm dừng vận chuyển hàng hóa.
Andrew Kenningham, nhà kinh tế trưởng châu Âu tại công ty tư vấn Capital Economics, cho biết, tổng sản phẩm quốc nội của Đức có thể giảm 0,2 điểm phần trăm trong quý 3 và 4 năm nay nếu sông Rhine tiếp tục giảm.
Tuy nhiên, theo ông này, mực nước sông Rhine giảm là một vấn đề tương đối nhỏ đối với ngành công nghiệp Đức khi so sánh với cuộc khủng hoảng khí đốt ngày càng sâu sắc của khu vực .
Ở những nơi khác, nhiệt độ ấm lên của các con sông ở Pháp trong những tuần gần đây đe dọa giảm sản lượng hạt nhân vốn đã thấp của nước này. Các đợt nắng nóng vào mùa hè đã làm ấm thêm các con sông như Rhone và Garonne mà các nhà cung cấp năng lượng sử dụng để làm mát các lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân.
Cơ quan quản lý năng lượng hạt nhân của Pháp kể từ đó đã gia hạn miễn trừ tạm thời để cho phép năm nhà máy điện tiếp tục xả nước nóng vào các con sông trước một cuộc khủng hoảng năng lượng đang bùng phát.
Ở Na Uy, một quốc gia Bắc Âu phụ thuộc nhiều vào năng lượng thủy điện, việc thiếu mưa đồng nghĩa với việc lượng điện do các con đập tạo ra đã giảm mạnh. Do đó, vào đầu tháng 8, chính phủ Na Uy đã thông báo rằng họ có kế hoạch hạn chế xuất khẩu điện.
Các chính phủ trên khắp châu Âu đang cố gắng lấp đầy các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất bằng nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên để có đủ nhiên liệu giúp giữ ấm cho các ngôi nhà trong những tháng tới.
Trong khi đó, Nga - quốc gia cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt cho EU vào năm ngoái - đã giảm mạnh dòng chảy sang châu Âu trong những tuần gần đây, với lý do thiết bị bị lỗi và bị trì hoãn.