Thợ khoan làm việc hơn 15 tiếng/ngày, đẩy nhanh tiến độ để có nước cho mùa màng. Ảnh: Reuters
“Tất cả những ngôi làng này đều trong tình trạng cực kỳ khô hạn. Khi chúng tôi nhận được lệnh khoan giếng, chúng tôi cố gắng dậy sớm và làm tới tối muộn, hơn 15 tiếng mỗi ngày”, ông Gao Pucha (42 tuổi) – một trong những thợ khoan đang làm việc tại làng Dashan, thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây – cho hay.
Tại một ngôi làng gần đó, một người đàn ông họ Chen đang lùng sục khắp cánh đồng để tìm những hạt lúa lép còn sót lại từ máy gặt lúa mang về cho đàn gà. “Mè, ngô, khoai lang, bông vải ở các vùng đất khô hạn đều chết khô”, người nông dân 72 tuổi chia sẻ với hãng tin Reuters. Ông Chen nói thêm chỉ có những cánh đồng lúa mới được tưới nước từ các hồ chứa gần đó.
Máy khoan giếng đi vào hoạt động. Ảnh: Reuters
Vào đầu tháng này, Trung Quốc đã ban bố tình trạng khẩn cấp hạn hán quốc gia khi nhiệt độ cao kỷ lục tiếp tục thiêu đốt các khu vực dọc sông Dương Tử. Ngày 24/8, tỉnh Giang Tây đã nâng cấp ứng phó khẩn cấp đối với hạn hán từ cấp III lên cấp IV, mức cao nhất trong hệ thống xếp hạng bốn cấp của quốc gia. Tỉnh Giang Tây là một trong 13 vùng sản xuất ngũ cốc, lương thực lớn của Trung Quốc.
Nắng nóng đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động nông nghiệp và khiến loạt nhà máy trên khắp cả nước ngừng hoạt động. Theo dữ liệu chính phủ công bố ngày 25/8, chỉ riêng trong tháng Bảy, nhiệt độ cao đã gây ra thiệt hại kinh tế trực tiếp cho Trung Quốc là 2,73 tỷ nhân dân tệ (tương đương 400 triệu USD), ảnh hưởng đến 5,5 triệu người và 457.500 hecta đất.
Nông dân Trung Quốc nhặt hạt lúa lép về cho gia cầm. Ảnh: Reuters
Trung tâm khí tượng quốc gia Trung Quốc tiếp tục cảnh báo hạn hán vẫn kéo dài tại nhiều tỉnh thành của nước này. Trung tâm khuyến nghị chính quyền địa phương nên sử dụng nguồn nước dự phòng để đảm bảo nguồn cung cho những vùng ngoại ô và gia súc.
Cách đây 20 năm, Trung Quốc đã từng đưa ra dự án tham vọng xây dựng hệ thống chuyển nước lớn nhất thế giới nhằm đưa nước tới miền bắc khô hạn. Tuy nhiên, dự án vấp phải nhiều chỉ trích do lo ngại dự án sẽ làm gia tăng ô nhiễm và khiến các thành phố phía bắc sử dụng nước một cách lãng phí hơn. Dự án với tổng chi phí lên tới 62 tỷ USD được thiết kế để đưa 12.000 tỷ gallon nước qua hơn 1000 km. Hệ thống này đưa nước chảy dọc theo ba tuyến dòng chảy riêng biệt từ lưu vực sông Dương Tử ở phía Nam đến lưu vực sông Hoàng Hà ở phía Bắc.