NASA công bố 10 "bản sao" mới của Trái đất

Oct |

Với 10 ứng viên tiềm năng, hóa ra trong vũ trụ có rất nhiều "bản sao" của Trái đất mà đến giờ chúng ta mới biết.

Như đã đưa tin, NASA sẽ tổ chức họp báo công bố phát hiện mới nhất của tàu Kepler, trong sứ mệnh tìm kiếm các exoplanet (hành tinh ngoài hệ Mặt trời - hay các ngoại hành tinh).

Nhiều người đã đoán giá đoán non về một phát hiện chấn động liên quan đến người ngoài hành tinh. Nhưng không! Nhân vật chính của buổi họp báo lần này là một danh sách gồm 219 hành tinh mới, trong đó có ít nhất 10 hành tinh "gần giống" với Trái đất của chúng ta.

Thế nào là gần giống? Đó là các hành tinh có kích cỡ tương tự với Trái đất, đồng thời có quỹ đạo xoay quanh sao chủ ở khoảng cách đủ để nuôi dưỡng sự sống, cho phép nước dạng lỏng tồn tại trên bề mặt.

Các chuyên gia cho biết, đây là danh sách đầy đủ và chi tiết nhất về các exoplanet từ các dữ liệu thu thập được trong 4 năm đầu vận hành của Kepler.

Ngoài ra, đây cũng là bản thống kê cuối cùng về chòm sao Thiên nga (Cygnus constellation), trước khi chuyển sang một vùng trời mới.

NASA công bố 10 bản sao mới của Trái đất - Ảnh 1.

Hơn 200 hành tinh mới được tìm thấy

Với bản danh sách lần này, tổng số các hành tinh "tiềm năng" (chưa xác định được có đủ để gọi là hành tinh hay không) do Kepler phát hiện đã lên tới 4.034. Trong đó, 2.335 đã được xác nhận là exoplanet.

Theo NASA, bản danh sách sẽ đặt nền tảng cho những nghiên cứu về tổng số hành tinh trong vũ trụ. Trước đó, khoa học đã xác nhận được rằng có ít nhất phân nửa hành tinh trong vũ trụ là các tinh cầu khí - tức là không hề có bề mặt, hoặc nằm trong khu vực không thể nuôi dưỡng sự sống.

"Dữ liệu từ Kepler rất đặc biệt, vì nó là danh sách duy nhất về các hành tinh gần giống Trái đất" - Mario Perez, nhà khoa học quản lý chương trình Kepler tại Phòng vật lý không gian của NASA cho biết.

"Kết quả này sẽ đem lại nhiều thông tin cho các sứ mệnh của NASA trong tương lai, để hướng đến một Trái đất thứ 2".

Được biết, kể từ khi vận hành vào năm 2009, đây là danh sách thứ 8 mà Kính thiên văn vũ trụ Kepler mang lại. Các dữ liệu được phân tích và xử lý từ đài quan sát Kepler trong vòng 4 năm, và qua đó giúp nhân loại xác định được "dân số" của vũ trụ là như thế nào.

NASA công bố 10 bản sao mới của Trái đất - Ảnh 2.

Nhằm giảm thiểu số hành tinh bị bỏ qua, NASA đã nhập các tín hiệu chuyển tiếp vào bộ dữ liệu, sau đó xác định những tín hiệu nào là của một hành tinh đích thực. Sau đó, họ tiếp tục nhập các tín hiệu "giả", kết hợp với nhiều phân tích khá phức tạp để có được công bố lần này.

"Danh sách được tính toán rất kỹ, để làm nền tảng giúp chúng ta trả lời một trong những câu hỏi khó nhất lịch sử thiên văn: có bao nhiêu hành tinh giống Trái đất trong vũ trụ?" - trích lời Susan Thompson, chuyên gia đứng đầu nghiên cứu Kepler thuộc viện SETI (California).

Ngoài ra, các dữ liệu lần này của Kepler cho thấy các hành tinh cỡ nhỏ sẽ được xếp vào 2 nhóm. Một nhóm có là các hành tinh có bề mặt rắn, kích cỡ tương đồng với Trái đất. Nhóm còn lại là các tinh cầu khí như Hải vương tinh. Cũng có một số hành tinh nằm giữa 2 nhóm, nhưng số lượng không đáng kể.

"Nghiên cứu này cũng giống như cách các nhà sinh học tìm ra một loài vật mới" - Benjamin Fulton, nhà nghiên cứu đang hoàn thành đồ án tiến sĩ tại ĐH Hawaii. "Tìm ra 2 nhóm exoplanet cũng giống như việc phân biệt thú và bò sát trong nhánh tiến hóa vậy".

NASA công bố 10 bản sao mới của Trái đất - Ảnh 3.

Kepler sẽ tiếp tục quan sát các khu vực thú vị hơn

Hiện tại, tàu Kepler sẽ chuyển sang quan sát các khu vực khác, mà giới chuyên gia đánh giá là "thú vị hơn". Ví dụ như TRAPPIST-1, hệ sao-hành tinh tiềm năng nhất để nuôi dưỡng sự sống hiện nay.

Nguồn: NASA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại