Theo dữ liệu dự báo thời tiết của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), hiện Thái Bình Dương và Đại Tây Dương cùng lúc xuất hiện những cơn bão mạnh, cụ thể:
1. Ở khu bực Thái Bình Dương
Tính đến ngày 28/8/2019 (theo giờ Mỹ), vệ tinh Suomi NPP của Cơ quan Quản lý Khí quyển & Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA)-NASA ghi nhận tại khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương xuất hiện cơn bão Podul.
Hình ảnh mây vệ tinh trước đó cho thấy bão Podul từ một áp thấp nhiệt đới (sau khi đi qua đảo Luzon của Philippines) đã tăng cấp để trở thành cơn bão mạnh, tiến thẳng vào Biển Đông.
Vệ tinh thời tiết của NOAA-NASA cung cấp hình ảnh của bão Podul lúc 2:18 phút sáng ngày 28/8/2019 (giờ Mỹ). Nguồn: NASA/NRL
Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp (JTWC) - Lực lượng liên hợp giữa Hải quân và Không quân Mỹ - cho biết, bão Podul đang nhắm thẳng vào Việt Nam với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão từ 60-75km/giờ.
NASA cho biết, bão Podul (còn gọi là bão số 4) tiếp tục mạnh dần lên và khi đổ bộ đất liền Việt Nam vào ngày 30/8, bão Podul sẽ gây mưa lớn (kéo theo lũ lụt, sạt lở đất) cho các tỉnh miền Bắc và miền Trung nước ta.
Vậy khi bão số 4 đổ bộ, bão sẽ gây mưa lớn ở đâu và kéo dài bao lâu?
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, đến 4 giờ sáng ngày 30/8, bão mạnh dần lên. Vị trí tâm bão cách đất liền các tỉnh Nghệ An-Quảng Bình khoảng 120km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12.
Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương đưa ra Cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 4 gây ra là: Cấp 3. Do ảnh hưởng của bão số 4, từ chiều và đêm 29/8 đến ngày 02/9 ở Bắc Bộ, Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to.
Trước đó, theo tin tức dự báo thời tiết của Dịch vụ Thời tiết Quốc gia AccuWeather (Mỹ), vào cuối tuần này - khi bão Podul đang gây mưa lớn cho nước ta - thì một hệ thống bão thứ hai được cho là sẽ hình thành ở ngoài khơi Philippines, dự kiến gây ra đợt lũ lụt mới khi càn quét qua miền Bắc Philippines.
Podul là tên cơn bão do Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đặt, đây cũng sẽ là tên bão được sử dụng ở các quốc gia khác trên khắp Đông Á. Khi càn quét qua Philippines, các chuyên gia khí tượng nước này gọi nó là Jenny. Trung tâm KTTV QG Việt Nam gọi Podul là cơn bão số 4, theo AccuWeather.
(Xem tin tức dự báo thời tiết về bão số 4 mới nhất của Trung tâm Dự báo TTTV Trung ương, tại đây.)
Việc song bão (2 cơn bão) cùng lúc xuất hiện ở khu vực Thái Bình Dương không phải là điều hiếm xảy ra. Trước đó, vào ngày 9/8/2019, ngoài khơi khu vực này cũng xuất hiện song bão mạnh là siêu bão Lekima và bão Krosa.
2. Ở khu vực Đại Tây Dương
- Bão Dorian:
Vệ tinh thời tiết Aqua của NASA ngày 28/8 (giờ Mỹ) cũng cung cấp hình ảnh và dữ liệu về cơn bão có tên Dorian. Qua hình ảnh của Aqua có thể thấy Dorian có nhiều khả năng gây mưa lớn.
Ảnh mây vệ tinh của bão Dorian. Nguồn: NASA
Trung tâm cảnh báo bão quốc gia Mỹ (NHC) cho hay, bão Dorian có thể gây ảnh hưởng nặng nề (mưa lớn, lũ lụt) tại các khu vực như Vieques, Culebra (đều thuộc Puerto Rico) và Quần đảo Virgin thuộc Mỹ.
Chuyên gia khí tượng thuộc CNN cho biết, bão Dorian sẽ tăng cấp dần dần. Hiện bão Dorian đang là bão Cấp 1 (theo thang Saffir-Simpson), nhưng dự kiến sẽ trở thành Cấp 3 vào thời điểm nó tấn công bang Florida (Mỹ) vào cuối tuần này.
- Bão Erin:
Vào ngày 27/8, vệ tinh Terra của NASA cũng phát hiện một áp thấp nhiệt đới, cách bờ biển bang Carolina 321 km.
Hình ảnh từ vệ tinh của NASA về bão Erin. Nguồn: NASA/NRL
Cùng ngày, áp thấp nhiệt đới nhanh chóng tăng dần sức mạnh để trở thành 1 cơn bão, được đặt tên là Erin.
Đến ngày 28/8, bão Erin lại suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Trung tâm của áp thấp nhiệt đới Erin nằm cách 305 km về phía đông nam Cape Hatteras, bang Bắc Carolina, Mỹ.
Bài viết sử dụng nguồn: NASA, CNN, AccuWeather
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.