Nắng nóng "như thiêu như đốt" sắp kết thúc, đến cuối tuần, cảnh báo thời tiết nguy hiểm

Trang Ly (thực hiện) |

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng – Phó trưởng phòng Dự báo Thời tiết, TTDB KTTV QG, thời tiết chuyển nhanh có thể kéo theo các hiện tượng dông, lốc trong những ngày cuối tuần tới.

Trả lời PV, ông Nguyễn Văn Hưởng – Phó trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, cho biết: Đợt nắng nóng gay gắt hiện tại là đợt nóng nhất từ đầu năm 2018 đến nay. Nhiều khả năng là đợt nóng nhất trong năm 2018 ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội), còn đối với miền Trung, có thể xảy ra 1-2 đợt nóng tương đương nữa trong 1-2 tháng tới.

Vậy, khi nào đợt nắng nóng này kết thúc? Nửa cuối năm 2018, chúng ta phải trải qua bao nhiêu đợt nắng nóng nữa? Và từ nay đến cuối năm, chúng ta phải hứng chịu bao nhiêu áp thấp nhiệt đới và bão? Ông Nguyễn Văn Hưởng sẽ làm rõ các vấn đề trên. Mời độc giả theo dõi:

- Xin ông cho biết, đợt nắng nóng diễn ra đầu tháng 7/2018 có phải là đợt nắng nóng có cường độ mạnh nhất trong năm 2018? Nguyên nhân của đợt nắng nóng khó chịu này là gì?

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Đợt nắng nóng gay gắt hiện tại là đợt nóng nhất từ đầu năm 2018 đến nay. Nhiều khả năng là đợt nóng nhất trong năm 2018 ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội), còn đối với miền Trung, có thể xảy ra 1-2 đợt nóng tương đương nữa trong 1-2 tháng tới.

Nguyên nhân của đợt nắng nóng này là do áp thấp nóng phía tây phát triển khiến gió tây nam mạnh lên rõ rệt, kết hợp với địa hình dãy Trường Sơn ở miền Trung và dãy Hoàng Liên Sơn ở miền Bắc gây ra hiệu ứng phơn mạnh.

Hiệu ứng phơn sẽ khiến các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng gay gắt từ ngày 30/6, sau đó mở rộng ra các tỉnh đồng bằng BB từ ngày 30/6. Các tỉnh Tây Bắc (Điện Biên – Lai Châu) do năm ở sườn đón gió của dãy Hoàng Liên Sơn nên mây nhiều, có lúc có mưa rào và dông nên nhiệt độ không cao như các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và ven biển Trung Bộ.

- Ông đánh giá tính chất nguy hiểm của đợt nắng nóng này như thế nào so với các đợt nắng nóng khác trước đó?

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Nắng nóng được xếp là một trong những loại hình thiên tai nguy hiểm, vì nó ảnh hưởng tới sức khỏe của con người, cây trồng và vật nuôi.

Đợt nắng nóng gay gắt hiện tại là đợt nóng nhất từ đầu năm 2018 đến nay. Nhiều khả năng là đợt nóng nhất và đây cũng có thể là đợt nắng nóng dài nhất của năm 2018 ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội), vì thế người dân cần hết sức lưu ý tới vấn đề sức khỏe của người dân tại những vùng nắng nóng.

Còn đối với miền Trung, có thể xảy ra 1-2 đợt nóng tương đương nữa trong 1-2 tháng tới.

- Đợt nắng nóng này có những đặc điểm gì? Tại đỉnh điểm của đợt nắng nóng này, nhiệt độ cao kỷ lục của nó được ghi nhận tại khu vực nào? Tại Hà Nội, quận/huyện nào nóng nhất, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Nắng nóng thường xảy ra từ cuối tháng 4 đến tháng 9 hàng năm, trong đó từ cuối tháng 6, đầu tháng 7 là thời gian nắng nóng cao điểm ở Bắc Bộ. Đợt nắng nóng gay gắt hiện tại là đợt nóng nhất từ đầu năm 2018 đến nay và phù hợp với quy luật nêu trên.

Thời gian kéo dài là khoảng 6-7 ngày, tương đương một đợt nóng có độ dài trung bình, tuy nhiên do nhiệt độ ban đêm cũng ở mức cao (30 độ) nên cảm giác oi bức kéo dài gần như liên tục cả ngày, ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ.

Nắng nóng như thiêu như đốt sắp kết thúc, đến cuối tuần, cảnh báo thời tiết nguy hiểm - Ảnh 2.

Ảnh gốc: Thành Nguyễn

- Trong các tháng tiếp theo của năm 2018, còn đợt nắng nóng nào trên 40 độ nữa không, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Trung bình một năm, Bắc Bộ và miền Trung có khoảng 17-18 đợt nắng nóng, năm nhiều có thể lên tới trên 20 đợt. Riêng tháng 7 này, Bắc và Trung Bộ sẽ phải chịu hai đợt. 

Tuy nhiên, việc dự báo số đợt không có nhiều ý nghĩa vì cứ hai ngày liên tiếp được tính là một đợt. Thực tế miền Bắc có đợt kéo dài tới 15 ngày, xét theo tổng số ngày thì gấp 4-5 lần đợt ngắn.

Năm nay, chúng tôi dự báo các đợt nắng nóng sẽ không kéo dài. Mỗi đợt ở miền Bắc chỉ 4-6 ngày, ít khả năng xảy ra đợt dài 8 ngày. Ở miền Trung, mỗi đợt sẽ dài 6-8 ngày, và đợt mà chúng ta đang trải qua có khả năng sẽ là đợt nắng nóng diện rộng, kéo dài và gay gắt nhất của năm 2018.

- Xin ông cho biết, một đợt nắng nóng kéo dài trung bình trong bao lâu và khi nào thì đợt nắng nóng đầu tháng 7/2018 này kết thúc? (tức là khi nào trời mát mẻ/hạ nhiệt trở lại?). Sau khi đợt nắng nóng kết thúc, có gây dông, mưa to và sấm sét không?

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Dự báo đợt nắng nóng này sẽ kéo dài đến hết ngày 06/7 ở các Bắc Bộ và Trung Bộ, trong đó từ nay đến ngày 04/7 có nắng nóng gay gắt (nhiệt độ cao nhất trên 37 độ C).

Thông thường, để kết thúc một đợt nắng nóng sẽ là một đợt không khí lạnh hoặc một đợt mưa dông diện rộng. Lần này cũng không phải là ngoại lệ, nhiều khả năng nắng nóng sẽ kéo dài hết ngày 06 trước khi chuyển mưa và mát hơn đáng kể trong ngày thứ bảy (07/7)

Nắng nóng như thiêu như đốt sắp kết thúc, đến cuối tuần, cảnh báo thời tiết nguy hiểm - Ảnh 3.

Ảnh gốc: Thành Nguyễn

Thời tiết chuyển nhanh có thể kéo theo các hiện tượng dông, lốc trong những ngày cuối tuần tới.

Sự thay đổi trạng thái từ nắng sang mưa, nóng sang lạnh sẽ gây xáo trộn rất mạnh các khối không khí và dễ dẫn đến mưa, dông, lốc, sét, thậm chí là mưa đá, tố lốc, vòi rồng. 

Đây là những hiện tượng thời tiết nguy hiểm mà người dân cũng như chính quyền các địa phương, nhất là ở các tỉnh vùng núi và trung du cần hết sức chú ý khi thời tiết nắng nóng kết thúc và chuyển sang trạng thái mát mẻ hơn.

- Theo ông, mùa mưa bão 2018 đã bắt đầu chưa? Dự đoán, mùa bão năm nay, nước ta phải hứng chịu bao nhiêu cơn bão, cường độ như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Dự báo số lượng bão và ATNĐ trên khu vực Biển Đông có khả năng tương đương so với TBNN (TBNN khoảng 12-13 cơn/năm) và khoảng từ 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền đến đất liền nước ta (TBNN khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp), hoạt động của bão chiếm tần suất cao hơn TBNN ở phần phía Bắc Biển Đông.

Những tháng cuối năm 2018 nhiều khả năng hoạt động của bão và ATNĐ trên vùng biển phía nam Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực phía nam nước ta không nhiều như năm 2016 và 2017.

Từ nay đến cuối năm 2018, ngoài bão và ATNĐ gây mưa lớn, gió mạnh khi ảnh hưởng đến đất liền, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm sẽ còn nhiều khả năng xảy ra trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt các hiện tượng dông lốc, mưa đá, mưa lớn cục bộ, lũ quét và sạt lở đất ở các khu vực xung yếu ở các tỉnh vùng núi phía bắc, các khu vực có địa hình dốc và thảm thực vật yếu.

Ngoài ra, đề phòng gió mạnh trên các vùng ven biển và vùng biển phía nam Biển Đông từ tháng 6-9/2018 trong thời kỳ hoạt động mạnh của gió mùa Tây Nam vàvào những tháng cuối năm 2018 trên các vùng biển phía bắc và giữa Biển Đông do hoạt động của gió mùa Đông Bắc gây ra.

Xin cảm ơn ông!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại