Nắng nóng có thể khiến đàn ông bị tăng cân, trong khi phụ nữ không chịu tác động này. Ảnh: Shutterstock
Khi thời tiết nóng bức, nhiều người muốn nhâm nhi một chiếc kem hay vài cốc bia mát lạnh. Thế nhưng, các nhà khoa học ở Israel lại chỉ ra rằng hành động đó không đơn thuần xuất phát từ mong muốn được giải nhiệt cơ thể.
Theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature Metabolism dựa trên kết quả khảo sát của 3.000 người dân ở Israel đã ghi chép lại chế độ ăn của họ trong khoảng thời gian từ năm 1999 đến năm 2001. Bà Carmit Levy và các đồng nghiệp đã phát hiện rằng, trung bình, nam giới đã gia tăng lượng calo nạp vào cơ thể trong những tháng mùa hè, khi tia cực tím (UV) hoạt động mạnh nhất.
Hoá ra, sự ngon miệng của nam giới đã tăng lên sau khi tiếp xúc với tia cực tím trong ánh nắng. Tia cực tím đã làm giải phóng loại hoóc-môn ghrelin gây đói bụng trong tế bào mỡ ở dưới da của nam giới. Tuy nhiên, hiện tượng này không có tác dụng đối với nữ giới do bị hoóc-môn giới tính oestrogen ngăn cản.
Nhóm nghiên cứu kết luận: “Da chính là môi trường trung gian của cân bằng nội môi (homeostasis) năng lượng và có thể mở ra cơ hội cho các phương pháp điều trị dựa trên giới tính đối với các bệnh nội tiết”.
Theo các chuyên gia, nhu cầu tiêu thụ thức ăn chủ yếu được kiểm soát bởi quá trình liên lạc giữa các mô ngoại vi ở trong ruột, gan và não bộ.
Hoóc-môn được giải phóng từ các mô ngoại vi được truyền đến não, trong đó có vùng dưới đồi (hypothalamus), nơi kiểm soát các chức năng cảm nhận về nhiệt độ, buồn ngủ cũng như cảm giác đói bụng.
Kết quả này đã được củng cố bởi một nghiên cứu trên loài chuột từ trước đó, khi các nhà khoa học cho chúng tiếp xúc với tia bức xạ cực tím liên tục trong 10 tuần. Sau đó, họ quan sát thấy các con chuột đực đã ăn nhiều hơn đáng kể, song con cái không có dấu hiệu này.