Năng lực tàu sân bay Trung Quốc hơn Mỹ: Ảo tưởng

Đan Nguyên |

Theo People's Daily, trong khi năng lực đội tàu sân bay Mỹ bị suy giảm do ngân sách thì Trung Quốc lại có những bước tiến thần kỳ trong lĩnh vực này.

Mỹ yếu thế?

Nhận định trên được tờ People's Daily (cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc) dẫn lời chuyên gia quân sự Liang Fang cho biết khi nói về kế hoạch đóng tàu sân bay thứ ba trong tương lai gần nhằm đảm bảo khả năng bảo vệ các lợi ích trên biển.

Chuyên gia Liang thừa nhận, tàu sân bay Trung Quốc chưa thể sánh được với tàu sân bay Mỹ về số lượng và tải trọng, nhưng tình trạng cắt giảm ngân sách quốc phòng sẽ khiến quân đội Mỹ thiếu đi sức sống trong quá trình phát triển tương lai.

Theo chuyên gia Trung Quốc, những vấn đề thường trực với tiêm kích hạm F/A-18, F-35C và các chiến đấu cơ khác sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng tác chiến của tàu sân bay Mỹ.

Trong khi đó, năng lực chiến đấu của hải quân Trung Quốc được gia tăng đáng kể trong 10 năm gần đây, Liang cho biết và tuyên bố rằng, Trung Quốc phát triển công nghệ đóng tàu sân bay là để "bảo vệ lợi ích quốc gia chứ không phải theo đuổi chủ nghĩa bá quyền".

Năng lực tàu sân bay Trung Quốc hơn Mỹ: Ảo tưởng - Ảnh 1.

Tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự đóng

Sự thật là...

Trong khi Liang đánh giá thấp về tương lai của đội tàu sân bay Mỹ thì truyền thông quốc tế đã có nhìn nhận khác về năng lực đóng và vận hành tàu sân bay của Trung Quốc. Báo Tin Tức của Australia vừa có bài phân tích về những điểm yếu của tàu sân bay do Trung Quốc sản xuất khiến giấc mơ đuổi kịp Mỹ ngày càng trở nên xa vời.

Theo nguồn tin, hiện nay, hải quân Trung Quốc đang chỉ có một chiếc tàu sân bay duy nhất là Liêu Ninh vốn được cải tạo từ tàu sân bay Varyag mua của Ukraine. "Có thể tàu sân bay Liêu Ninh sẽ vĩnh viễn chỉ được sử dụng cho mục đích huấn luyện", tờ báo nhận định.

Về lý thuyết, tàu sân bay Liêu Ninh có thể chở được 36 chiếc máy bay cánh cố định và trực thăng, trong đó có 24 chiến đấu cơ J-15, nhưng tới năm 2014, Trung Quốc mới chỉ có 5 phi công đủ năng lực hạ cánh xuống tàu sân bay.

Số lượng phi công đạt chuẩn như vậy vẫn rất ít và việc này liên quan tới sự cố gây chết người trong quá trình tập luyện mà quân đội Trung Quốc lần đầu xác nhận vào tháng 7 vừa qua.

Cùng với việc sử dụng tàu sân bay Liêu Ninh, công tác chế tạo chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc đang bước vào giai đoạn cuối cùng. Dự kiến trong nửa đầu năm 2017, Trung Quốc sẽ hạ thủy tàu sân bay 001A tự mình chế tạo và bàn giao cho hải quân vào năm 2018 hoặc năm 2019.

Trong khi đó, tờ Nikkei của Nhật Bản mới đây tiết lộ quân đội Trung Quốc chuẩn bị có chiếc tàu sân bay đầu tiên do chính họ chế tạo. 

Chiếc tàu sân bay này có tải trọng 50.000 tấn, thuộc dạng nhỏ trong “làng" tàu sân bay thế giới, được trang bị động cơ thông thường chứ không phải động cơ hạt nhân như các tàu sân bay của Mỹ và về cơ bản được thiết kế dựa trên cơ sở tàu sân bay Liêu Ninh.

Cuối năm ngoái, Bộ Quốc phòng Trung Quốc chính thức thừa nhận nước này đang tự chế tạo tàu sân bay, sau đó không công bố thêm chi tiết nào liên quan tới tiến triển của chương trình.

Dù so với tàu sân bay Liêu Ninh, tàu sân bay 001A hơn hẳn về sức chiến đấu, nhưng vẫn phải đối mặt với điểm yếu chí mạng là thiếu phi công lái máy bay chiến đấu cho tàu sân bay.

Ngoài ra, sức chiến đấu của những tàu sân bay này còn bị ảnh hưởng tiêu cực từ việc không có hệ thống phóng (cả hơi nước lẫn điện từ) dành cho máy bay và không được trang bị động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Truyền thông Đức nhận định, những thiếu hụt nêu trên khiến tàu sân bay Trung Quốc không thể nào có được khả năng tác chiến thực sự và đương nhiên vẫn rất lạc hậu so với đội tàu sân bay Mỹ vốn đang có 10 chiếc lớp Nimitz đang hoạt động và 2 chiếc lớp Ford hiện đại hơn đang được đóng mới.

Ông Jesus Uranga từ Văn phòng Thông tin Hải quân Mỹ vừa tiết lộ, siêu tàu sân bay USS Gerald R. Ford, số hiệu CVN78, sẽ được đưa vào biên chế của hải quân Mỹ trong mùa hè này. Đây là tàu sân bay tân tiến và đắt giá nhất thế giới với chi phí hoàn thiện lên đến 13 tỷ USD.

Tàu sân bay khổng lồ này có thể chở hơn 4.500 người và có trọng lượng lên đến khoảng 100.000 tấn. USS Gerald R. Ford là chiếc đầu tiên xuất xưởng trong số các tàu sân bay lớp Ford mà Mỹ đang đóng, dự kiến thay thế một số tàu sân bay lớp Nimitz mà hải quân đang sử dụng.

Thoạt nhìn, cả hai lớp tàu sân bay kể trên có thân tàu giống nhau nhưng thực tế, tàu sân bay lớp Ford sở hữu hàng loạt cải tiến về công nghệ nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động cũng như giảm chi phí vận hành. 

Thay vì dùng hệ thống phóng máy bay bằng hơi nước như hiện nay, siêu tàu sân bay USS Gerald R. Ford sẽ sử dụng hệ thống phóng điện từ (EMALS) có trọng lượng nhẹ hơn và chiếm ít không gian hơn.

Với những thay đổi, nâng cấp về công nghệ và vũ khí tối tân như thế, siêu tàu sân bay Gerald R. Ford thực sự mang trong mình một sức mạnh đáng gờm, giúp Mỹ giữ thế thượng phong trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc cũng như các nước khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại