Nam ứng viên 35 tuổi từng làm ở tập đoàn quốc tế, tham vọng kiếm 100 tỷ/năm vẫn bị loại thẳng vì LÝ DO này!

ỨNG HÀ CHI |

Tuy được một sếp dành tặng phiếu nhưng điều này không giúp Ngọc Bên được bước tiếp vào vòng trong.

Đến với "Whose Chance – Cơ hội cho ai?" mùa 5, tập 4 là màn so tài cam go giữa 2 ứng viên đều "apply" vị trí cấp cao.

Đó là Huỳnh Ngọc Bên, 35 tuổi, đến từ Bến Tre. Anh tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Đại học Trà Vinh. Ngọc Bên có hơn 10 năm kinh nghiệm điều hành và phát triển kinh doanh bảo hiểm nhân thọ tại các tập đoàn quốc tế. Anh nằm trong top 3 nhân viên hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2018 trên toàn quốc.

Chàng trai Bến Tre hào hứng chia sẻ: "Tôi đã có vị trí nhất định, mong muốn thay đổi bản thân để trau dồi kỹ năng sống trong tương lai. Tôi muốn trở thành Giám đốc Kinh doanh toàn quốc cùng đội ngũ mang về con số hơn 100 tỷ đồng/năm cho Sếp. Bản chất là làm việc kinh doanh, mà đam mê của dân kinh doanh là doanh số, tiền thưởng".

Nam ứng viên 35 tuổi từng làm ở tập đoàn quốc tế, tham vọng kiếm 100 tỷ/năm vẫn bị loại thẳng vì LÝ DO này! - Ảnh 1.

Nam ứng viên Ngọc Bên.

Đối đầu với Ngọc Bên là Trần Lan Anh, 31 tuổi, đến từ Thái Bình. Cô tốt nghiệp ngành Kế toán – Kiểm toán tại Học viện Ngân hàng. Lan Anh có hơn 9 năm kinh nghiệm làm việc đa vị trí, đa cấp bậc tại một ngân hàng lớn tại Việt Nam. Gần 5 năm giữ vị trí Trưởng phòng kinh doanh khách hàng doanh nghiệp. Cô là Trưởng phòng/Trưởng nhóm kinh doanh xuất sắc nhiều kỳ trong giai đoạn 2019 – 2022.

Lan Anh kỳ vọng sẽ trở thành Giám đốc Kinh doanh xuất sắc trong tập đoàn mình đầu quân. Và tương lai xa hơn trở thành một trong những Giám đốc có tầm tại Việt Nam, tạo ra doanh thu đột phá cho công ty và tạo việc làm chất lượng cho xã hội.

Nữ ứng viên đến từ Thái Bình có 2 phương châm sống là "Đừng chờ cơ hội, hãy tạo ra nó""Sống cho đời, sống cho người – Khi mình trao đi tức là mình nhận lại".

Thiếu kỹ năng trả lời câu hỏi

Ở vòng 1 – Đối mặt, câu hỏi của chương trình đưa ra là: "Có ý kiến cho rằng, chỉ có công ty quản lý yếu kém mới giao việc và bắt nhân viên làm việc ngoài giờ. Bạn đồng tình hay phản đối ý kiến trên?".

Ngọc Bên thẳng thắn chia sẻ, từ trước đến giờ, anh làm việc không có thời gian cố định, làm ngoài giờ và theo doanh số, theo kết quả, chứ không theo thời gian. Ở các tập đoàn xuyên quốc gia làm việc theo dựa theo kết quả cuối cùng. Chính vì vậy, anh không đồng ý quan điểm trên vì cá nhân anh thường xuyên làm việc ngoài giờ.

Ngay lập tức, Lan Anh đặt ra câu hỏi: "Thường xuyên làm việc "over time" (tăng ca) sẽ không có thời gian tái tạo năng lượng, dẫn đến mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Như vậy không thể cống hiến lâu bền, vấn đề đó xử lý như thế nào?".

Ngọc Bên cho rằng với tính đặc thù của công việc kinh doanh, làm việc dựa trên doanh số, kết quả là thước đo cuối cùng. Chẳng hạn có những giai đoạn cần tăng ca, hay ngày cuối tháng, anh có thể làm việc đến 12 giờ đêm. Ngược lại qua ngày đầu tháng, công ty sẽ tạo điều kiện để nhân viên thoải mái làm việc. Không ít công ty ngoài thứ 7, Chủ nhật sẽ có 2 ngày được làm việc tại nhà, tận dụng để tái tạo năng lượng.

Về Lan Anh, cô cho biết mình đồng tình nhưng không hoàn toàn. Thứ nhất, nữ ứng viên cho rằng, với người lao động nên suy nghĩ tích cực. Thay vì suy nghĩ công ty đang giao thêm việc thì phải thấy tự hào khi được đồng hành cùng doanh nghiệp đang trên đà phát triển.

Thứ hai, nhân viên cần biết tối ưu hóa thời gian làm việc 8 tiếng theo đúng quy định pháp luật. Kèm theo với công việc mang tính chất "go global" (vươn ra toàn cầu) đang hướng tới, có những cuộc họp đa quốc gia với nhau thì việc lệch múi giờ là bình thường.

Thứ ba, trên phương diện công ty nên lựa chọn đúng nhân sự từ ban đầu. Ngoài ra, công ty cần không ngừng truyền động lực và cho nhân viên biết được rằng tầm nhìn sứ mệnh, tất cả các nhân viên cùng đồng sức đồng lòng đi lên cùng sự phát triển của doanh nghiệp. Điều cuối cùng rất quan trọng là công ty nên chú trọng tới phúc lợi xã hội: Lương, thưởng,… để nhân viên thấy những gì họ hy sinh là xứng đáng và muốn được đồng hành trong thời gian lâu dài.

Tuy nhiên, Lan Anh đồng tình nhưng không hoàn toàn với ý kiến trên là do: Nếu thường xuyên "over time" (tăng ca) sẽ dẫn đến mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống, không tái tạo được năng lượng. Vì thế, nhân viên nên hạn chế tối đa có thể. Và công ty cũng không nên quá tận dụng "over time" để tạo nên môi trường làm việc lý tưởng nhất.

"Khi phỏng vấn xin việc, không những đồng ý mà tôi còn tình nguyện làm việc ngoài giờ. Bởi thời gian đó sẽ tối ưu hóa năng suất lao động, làm vượt so với năng suất để tôi biết năng lực tối đa. Như vậy, việc đồng ý chiếm 95%, không đồng ý chiếm 5%", nữ ứng viên dõng dạc trả lời.

Nam ứng viên 35 tuổi từng làm ở tập đoàn quốc tế, tham vọng kiếm 100 tỷ/năm vẫn bị loại thẳng vì LÝ DO này! - Ảnh 3.

Sếp Trung Hiếu đặt câu hỏi cho 2 ứng viên.

Sau khi nghe 2 ứng viên trả lời, Sếp Trung Hiếu đã đưa ra một câu hỏi: "Nếu nhân viên cố tình không hoàn thành xong trong giờ hành chính, dây dưa kéo dài để tăng ca thì xử lý ra sao?".

Lan Anh chia sẻ, khi nhân viên nhận việc, họ đều đã biết KPI (chỉ số đo lường hiệu quả công việc), JD (mô tả công việc). Vì thế công ty cần có thời gian thử thách, luôn phải theo dõi, đồng hành, "coaching" (huấn luyện) để nhân viên tốt lên từng ngày.

Còn Ngọc Bên cho rằng, công ty không nên áp đặt làm việc 8 tiếng hay làm việc ngoài giờ mà cần khiến nhân viên làm việc tự nguyện và vui vẻ. Công ty cần thưởng theo doanh số hay có các chính sách làm thêm giờ linh động như không phải tới công ty.

Cuối cùng, Ngọc Bên chỉ nhận 1/5 phiếu, Lan Anh nhận 4/5 phiếu và tiếp tục vào vòng 2 - Chinh phục. Sếp Vũ Anh cùng MC chương trình góp ý, với chủ đề trên, câu trả lời dựa vào đặc điểm công việc, tính chất vị trí đảm nhiệm, giai đoạn phát triển,… Vì thế rất khó để đưa ra câu trả lời đồng tình hay phản đối.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại