Vào ngày 15/9, 1 vụ mưu sát có chủ đích nghiêm trọng đã xảy ra ở Đại học Thẩm Dương, Trung Quốc. 1 nam sinh viên bị đâm hơn 100 nhát dao tại ký túc xá của trường và tử vong ngay tại chỗ.
Ngay sau hôm xảy ra sự việc, phía nhà trường đã thông báo cho gia đình nạn nhân tin xấu (Ảnh chụp chân dung nạn nhân)
Theo giấy chứng tử, nam sinh tử vong tại khu vực ký túc xá của trường, nguyên nhân là mất máu cấp tính do hơn 100 nhát dao đâm sâu vào lồng ngực. Theo lời khai của nhân chứng thì 1 phút trước khi xảy ra án mạng, nạn nhân có mâu thuẫn với bạn cùng phòng họ Vương, lý do xoay quanh chuyện muốn đổi phòng.
Được biết, các sinh viên ở cùng phòng với hung thủ đã đồng loạt xin giáo viên đổi sang phòng khác nhiều lần, nhưng nhà trường không phê duyệt. Vào ngày 13/9, nam sinh họ Vương (hung thủ) đã cãi nhau với các sinh viên khác trong phòng ký túc xá, giáo viên của trường đã liên lạc với gia đình y, nhưng họ lấy lý do bận nên không thể đến trường giải quyết, nào ngờ chỉ trong vòng 2 ngày sau đã xảy ra vụ việc thương tâm.
Gia đình nạn nhân khi biết tin đã vô cùng sốc vì ngày thường con trai mình có quan hệ khá tốt với hung thủ.
"Trong trí nhớ của tôi thì Vương là 1 người trầm tính, ít nói, có học lực khá và cũng rất lễ phép." - Bố nạn nhân nói.
Những mâu thuẫn trong ký túc xá của học sinh, sinh viên diễn ra khá phổ biến, tuy nhỏ nhưng sâu và thường dẫn đến bi kịch
Hiện nay, trẻ vị thành niên phạm pháp trở thành 1 vấn nạn nhức nhối của xã hội Trung Quốc. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này liên quan đến đời sống kinh tế, văn hóa, giáo dục và là kết quả tác động tổng hợp do nhiều yếu tố tiêu cực đem lại. Hung thủ tuy trưởng thành về thể chất nhưng tâm lý vẫn chưa lớn, dễ bốc đồng, mất kiểm soát, tâm lý dễ bị tổn thương và không đủ sức đối mặt với những thất bại.
Trong đó có vụ án điển hình giết bạn cùng phòng của nam sinh viên họ Vương nêu trên. Qua điều tra, hung thủ sống khá nội tâm và khép mình, không thích nói chuyện với bạn cùng lớp. Y bị ảnh hưởng bởi tâm lý sinh ra ở nông thôn, nhà nghèo nên tự ti. Lên đại học, y có mối quan hệ khá thân thiết với nạn nhân. Sau đêm cãi vã vào ngày 13/9, y cảm thấy "không vui", nghĩ rằng bạn học đang chế giễu và lừa dối mình, ngọn lửa hận thù âm ỉ trong lòng đến 2 ngày sau liền bùng cháy thành cơn giận dữ gây ra cái chết thảm của bạn.
"Vương rất cục tính, đôi khi hay nổi nóng không lý do. Cậu ấy (nạn nhân) là người hòa đồng, tính cách thân thiện nên nói chuyện được với Vương, vì không muốn không khí trong ký túc xá mất vui nên thường xuyên đứng ra nói đỡ cho hung thủ." - 1 sinh viên trong phòng nói.
Theo 1 nhân chứng khác kể, hôm xảy ra mâu thuẫn đỉnh điểm, tức ngày 13/9, nam sinh họ Vương đã có những lời lẽ xúc phạm đến bạn thân, khiến nạn nhân tức giận to tiếng nói lại vài câu. Vương sau đó khai báo với cảnh sát rằng mỗi lần ký túc xá xảy ra mâu thuẫn, nạn nhân đều đứng ra hòa giải, nhưng đối với y thì việc này giống như là 1 kiểu "sỉ nhục công khai", nạn nhân chỉ thương hại y mà thôi.
"Tôi không cần bạn bè như hắn, 1-2 lần còn được, đằng này lần nào hắn ta cũng coi tôi như kẻ ngốc, cuối cùng tôi cũng đã trút được giận." - Trích lời khai của hung thủ.
Mẹ nạn nhân khóc cạn nước mắt, cầm ảnh con trai ngồi trước cổng trường học ngay sau hôm xảy ra sự việc thương tâm
"Do từ bé đã sống ở môi trường tiêu cực, tâm lý bị tổn thương nên khi lớn lên hung thủ hình thành tâm lý đối chiếu ngược. Đối với những người tử tế lại cho rằng họ đang coi thường mình. Những người này thường rất tiêu cực, thực tế có đôi khi không đến mức xấu, nhưng dưới lăng kính của người bị méo mó tâm lý thì cuộc đời chỉ toàn 1 màu u ám." - Giáo viên Ninh Hạ dạy môn phân tích tâm lý học của trường Đại học Thẩm Dương phân tích tâm lý của hung thủ.
Trên thực tế, nhà trường cũng có trách nhiệm nhất định về những thiệt hại gây ra cho học sinh.
Trong những năm gần đây tại Trung Quốc xảy ra nhiều vụ sinh viên đại học có chỉ số IQ cao, tư chất tốt nhưng lại là những "con quỷ chưa lộ diện" giết người dã man và tự tay hủy hoại tương lai tươi sáng của chính mình. Điều đặc biệt đáng chú ý là có sự gia tăng đáng kể tội phạm đang ở độ tuổi vị thành niên.
Vụ án trên đã nhấn mạnh thêm việc giáo dục sức khỏe tinh thần cần được quan tâm đúng mực hơn nữa.
Bên cạnh đó, cán bộ tư vấn học đường cũng phải tăng cường nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân của các em học sinh. Mong rằng những bi kịch tương tự sẽ không xảy ra thêm nữa.