Vào tháng 6 năm 2019, một thí sinh đặc biệt trong kỳ thi tuyển sinh đại học đến từ vùng nông thôn tỉnh Trùng Khánh, Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của truyền thông nước này vì lý do đặc biệt: cậu bé mới chỉ 15 tuổi. Đó là Khương Minh Vũ - một "thần đồng".
Cậu học sinh nhỏ tuổi này đã bộc lộ trí tuệ phi thường từ khi còn nhỏ. Khi mới 1 tuổi, Khương Minh Vũ đã biết đọc, 5 tuổi vào lớp 2, học vượt và năm 15 tuổi đã vào đại học với số điểm siêu cao - 667.
Khương Minh Vũ đã luôn đứng đầu lớp từ khi còn học tiểu học, và chỉ số IQ của cậu vượt xa tầm với của người bình thường. Theo các giáo viên, Khương Minh Vũ từ nhỏ đã thích đọc sách, học rất nhiều môn học, có khả năng tiếp nhận và hiểu biết rất nhanh, đặc biệt là khả năng tự học.
Khương Minh Vũ đỗ đại học năm 15 tuổi với số điểm cao
Thế nhưng mặc dù kết quả của kỳ thi tuyển sinh đại học đã rất tốt, thuộc top đầu toàn tỉnh nhưng sau khi có kết quả, Khương Minh Vũ cho biết mình vẫn không hài lòng và cảm thấy điểm có thể cao hơn nữa. Trong một lần phỏng vấn, cậu cho biết chỉ số IQ cao của mình là do giới truyền thông thổi phồng, thực ra cậu không phải là "thần đồng", trí thông minh chỉ cao hơn người bình thường một chút mà thôi.
Đặc biệt, dù còn nhỏ tuổi nhưng Khương Minh Vũ đã có những kế hoạch tương lai hết sức rõ ràng. Cậu hy vọng có thể lấy bằng tiến sĩ và đào sâu nghiên cứu khoa học, điều mà cậu luôn mơ ước.
Thần đồng đi lên từ nghịch cảnh
Khi nghe đến thành tích của Khương Minh Vũ, nhiều người đoán rằng cậu được lớn lên trong môi trường giáo dục tốt, được cha mẹ khuyến khích học tập và phát triển. Thế nhưng sự thật lại ngược lại, thí sinh đại học 15 tuổi này có một tuổi thơ bất hạnh và hoàn cảnh kém xa bạn bè. Khi cậu 2 tuổi, cha mẹ đã ly hôn. Tòa án trao quyền nuôi con cho cha Khương Minh Vũ nhưng cha phải đi làm ăn xa để kiếm tiền nuôi gia đình, cậu bị bỏ lại cho ông nội tuổi cao nuôi dưỡng.
Là đứa trẻ bị bỏ lại ở quê, thiếu vắng tình thương của cha mẹ, Khương Minh Vũ bị tổn thương tâm lý rất lớn.
Nhưng bi kịch chưa dừng lại ở đó. Không lâu sau, cha cậu bị tai nạn xe hơi và sau đó mắc chứng phình động mạch. Nguồn lao động chính mất đi, ông bà nội tuổi cao phải gồng gánh khoản nợlớn để làm phẫu thuật cho cha Minh Vũ. Dù sau đó sống sót nhưng ông mất khả năng lao động vĩnh viễn.
Ông bà của Khương Minh Vũ đã già và rất khó khăn trong việc kiếm tiền, đến bữa ăn mỗi ngày của gia đình 4 người cũng là gánh nặng. Vào năm 2016, bà của Khương Minh Vũ bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư bàng quang, tiếp tục giáng một đòn mạnh vào cuộc sống vốn đã khó khăn của họ. Vì vậy, chỉ còn lại ông nội quán xuyến mọi công việc trong gia đình, thường phải đi nhặt đồng nát để kiếm sống. Nếu không có sự trợ cấp của nhà nước và sự giúp đỡ của những người hảo tâm trong xã hội thì Khương Minh Vũ vốn đã không có cái ăn, chứ đừng nói đến việc đi học.
Vì xuất thân nghèo khó, Khương Minh Vũ giống nhiều đứa trẻ khác không được hưởng các nguồn giáo dục chất lượng cao. Nhưng cậu đã chứng minh rằng chỉ cần có quyết tâm và chăm chỉ thì sẽ luôn có thành quả.
Hoàn cảnh bi kịch của thần đồng khiến nhiều người càng thêm ngưỡng mộ ý chí của cậu
Khương Minh Vũ nhận thức được hoàn cảnh gia đình và sự vất vả của ông bà, vì vậy đã trở thành một đứa trẻ hiểu chuyện và tự lập. Không chỉ chăm chỉ học hành, cậu còn thường giúp ông nội làm việc nhà, đồng thời chăm sóc bố và bà.
Tại sao Khương Minh Vũ có thể đạt được kết quả xuất sắc như vậy khi mới 15 tuổi dù sống trong nghịch cảnh? Ngoài việc được sinh ra với một trí tuệ và nỗ lực phi thường, một phần lý do còn đến từ sự giáo dục của ông nội.
Mặc dù gia đình của Khương Minh Vũ vô cùng nghèo khó, nhưng ông của cậu rất coi trọng việc học của cháu. Khi cậu còn nhỏ, ông nội phát hiện ra Khương Minh Vũ có năng khiếu học tập nên đã tạo mọi điều kiện cho cháu trai học hành.
Hơn nữa, ông nội của Khương Minh Vũ không bao giờ can thiệp vào sở thích của cháu mình. Chỉ cần cậu có hứng thú với điều gì đó, ông nội sẽ ủng hộ cậu. Phương pháp giáo dục của ông nội tập trung vào việc hướng dẫn Khương Minh Vũ, thay vì chăm chăm vào việc học của cháu mỗi ngày như cha mẹ bình thường, khiến đứa trẻ cảm thấy chán nản và không được tự do. Cách giáo dục của gia đình họ Khương cho thấy không nhất thiết phải có vật chất, điều kiện mới có thể nuôi dạy một đứa trẻ thành tài.