Nam sinh Hà Tĩnh tới Washington với học bổng 260.000 USD

ĐS |

Câu chuyện về "tiếng rao hàng của bà" đã đi vào bài luận giúp Lê Công Toàn, quê Hà Tĩnh, học sinh trường TH school, giành được học bổng lên tới 260.000 USD của 4 năm, tương đương với hơn 5 tỷ đồng.

Vào ngày cuối cùng của năm 2018, Toàn nộp hồ sơ cho trường Đại học Whitman (Washington, Hoa Kỳ) chỉ cách hạn chót có mấy tiếng. Đến ngày 18/01/2019, Toàn nhận được thư đồng ý với mức hỗ trợ tài chính lên tới 66.650 USD/năm.

Tiếp theo đó, liên tiếp 6 trường đại học khác mời nhập học với các mức hỗ trợ tài chính khác nhau nhưng em quyết định chọn ngành Công nghệ Thông tin của trường Đại học Whitman để theo học đại học.

Tiếng rao của bà và bài luận đặc sắc

Toàn chia sẻ, để nộp hồ sơ du học thành công, ngoài những kết quả học tập, điều cậu nghĩ mình được chấp nhận là bài luận. Trong bài luận hơn 600 chữ, Toàn đã tái hiên nỗi hoài niệm tuổi thơ, với những tháng ngày vất vả mà đẹp đẽ khi sống cùng bà. Bà Toàn bán hàng rong, chủ yếu bán trái cây, rau và kẹo cao su.

"Những tiếng rao trở nên gắn bó và trở thành một phần tuổi thơ tôi. Một lần, tôi giúp bà bán hàng. Mang theo một gói đầy trái cây, lúc đầu, tôi miễn cưỡng, đi khắp nơi trong chợ, mọi người nhìn chằm chằm vào tôi với ánh mắt tò mò (…)Việc đó dạy cho tôi bài học rằng kiếm tiền không bao giờ là dễ dàng. Đó là lần đầu tiên và lần cuối cùng tôi làm công việc này vì bà không cho phép tôi làm việc đó nữa" – Toàn viết.

Trong phần sau của bài luận, Toàn bày tỏ: "Lớn lên, tôi tập trung vào việc học vì tôi tin rằng kiến ​​thức sẽ là thứ duy nhất còn lại với mình mãi mãi. Bà làm việc cả ngày lẫn đêm, luôn trở về nhà với nhiều câu chuyện bán hàng hằng ngày (…) Mỗi câu chuyện là một bài học quý giá, giúp tôi hiểu bà của mình nhiều hơn và cho tôi hiểu biết sâu sắc về cuộc sống và con người".

Chinh phục từng "cửa ải"

Cách đây 3 năm, chân ướt chân ráo từ Hà Tĩnh ra Hà Nội học bằng học bổng 100% của trường, Toàn không ngờ hành trình tới thủ đô Washington của mình lại đến nhanh như thế.

Nhớ lại buổi nhập trường TH School, thầy chủ nhiệm đã dặn dò "Các em hãy quên mình trước đó là ai đi". Sở dĩ thầy nói như vậy bởi lớp của Toàn đa phần là những học sinh giỏi đến từ các trường hàng đầu trong cả nước. Khi vào học rồi, Toàn càng thấy những lời nhắn nhủ của thầy thật sáng suốt.

Nam sinh Hà Tĩnh tới Washington với học bổng 260.000 USD - Ảnh 1.

Lê Công Toàn trong Ngày hội khoa học của trường


Thời gian đầu, tiếp cận với chương trình học quốc tế, Toàn gặp khó khăn về tiếng Anh. Áp lực và cũng là may mắn, ở TH School giờ lên lớp hay ký túc xá, tiếng Anh được sử dụng thường xuyên nên Toàn và nhiều bạn đã vượt qua được "cửa ải" đầu tiên.

Qua được rào cản ngôn ngữ, việc học cũng có cách tiếp cận khác hẳn. Được chọn các môn học theo khả năng, sở thích nhưng để học tốt 7 môn - trong đó có 3 môn thi A Level và các môn Tiếng Việt, Lịch sử, Địa lý…cũng không dễ dàng gì.

Có một chút thuận lợi là môn toán lớp 10 của chương trình ICGSE tương đương lớp 8-9 chương trình Việt Nam. Tuy nhiên, ở các môn Khoa học khác (như Lý, Hoá, Sinh), nếu học ở trường Việt Nam, nắm vững lý thuyết là đã có thể ẵm điểm tuyệt đối thì khi học theo chương trình A Level không như vậy.

"Học ở đây, thời gian làm thí nghiệm khá nhiều. Chúng em không phải tưởng tượng thực hành nữa", Toàn nói.

Nam sinh Hà Tĩnh tới Washington với học bổng 260.000 USD - Ảnh 2.

Bố mẹ rời Việt Nam xuất khẩu lao động  khi Toàn còn bé. Toàn và  các anh chị được bà nội chăm sóc.

Nam sinh Hà Tĩnh tới Washington với học bổng 260.000 USD - Ảnh 3.

Lê Công Toàn trong buổi gặp gỡ với đoàn công tác của Bộ GD-ĐT khi đến trường tìm hiểu về phương pháp, chương trình giáo dục.


Một khác biệt nữa là thầy cô hay giao các bài tập liên quan đến thuyết trình, làm việc nhóm. "Hầu như tuần nào cũng có bài tập như vậy. Điều này giúp chúng em có kỹ năng thuyết trình và kỹ năng đứng trước đám đông thành thạo:"

Một điểm đáng nói nữa là các kỳ thi. Sẽ có 2 lần thi giữa kỳ và cuối kỳ, mỗi lần thi kéo dài hàng tháng. Mỗi môn thi sẽ có khoảng 2-3 tờ, mỗi tờ sẽ cách nhau từ vài ngày đến vài tuần. Còn tài liệu ở đây là những công thức tính toán, những chỉ số cơ bản trong toán, lý, hóa.

"Cách tổ chức học và thi như thế này, ngoài trang bị kiến thức bền vững, còn rèn cho học sinh thái độ nghiêm túc và trách nhiệm với việc học. Học không phải để đối phó với các kỳ thi mà học để thực sự cho mình. Đây chính là những phẩm chất quan trọng sau này sẽ giúp ích cho mình ở tương lai" – cậu học trò 18 tuổi nhìn nhận lại những trải nghiệm sau 3 năm học ở trường.

Lứa học sinh năm cuối của trường TH school hiện đang thi nốt những buổi thi cuối cùng của kỳ thi A Level nhưng cũng như Toàn, nhiều em đã nhận được đề nghị học bổng, hỗ trợ tài chính của hàng chục trường Đại học danh tiếng trên thế giới, trong đó có thể kể tới Nguyễn Anh Trung đã đươc 20 trường đại học đón nhận, Nguyễn Việt Trung được 7 trường đón nhận với các mức hỗ trợ tài chính lên tới 5-6 tỷ đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại