Ngày nay, nhiều bậc phụ huynh vì bận rộn, tất bật với công việc nên đôi khi họ lơ là, thờ ơ với những chi tiết, biểu hiện dù nhỏ nhất của con cái mình ở trường học. Điều này tưởng chừng chẳng có gì nghiêm trọng, nhưng đôi khi lại vô tình gây ra những hậu quả khôn lường. Chẳng hạn như vụ việc đau lòng dưới đây, một nam sinh lớp 12 đã sử dụng bài thi giữa kỳ tại trường của mình như “một lời kêu cứu”, nhưng đến khi được gia đình, thầy cô phát hiện thì đã quá muộn.
Cụ thể, nam sinh này tên Cohen đang theo học một trường phổ thông tại Tây Úc, cậu bạn đã viết vào một bài thi của mình bằng những nét viết nguệch ngoạc, khác thường. Cha mẹ của nam sinh này sau đó đã bức xúc cho rằng bộ phận giáo viên, nhân viên của nhà trường quá vô tâm, họ đáng lẽ nên có sự nhạy bén và phát hiện sớm hơn bởi những hành vi đáng báo động như thế của cậu bé.
Bà Pamella Fink - mẹ của Cohen, chia sẻ với báo Úc rằng: “Một trong những bài thi của cháu chỉ được cháu viết lại câu hỏi của đề thi nhưng là viết theo kiểu ngược như thể chữ được soi trước gương. Thằng bé vẽ các bức tranh, vẽ bảng chữ cái, viết những lời bài hát rất tiêu cực… Sau khi kết thúc bài thi vài ngày, con trai tôi đã tự chấm dứt cuộc đời mình”.
Những nét chữ nghuệch ngoạc của Cohen trong bài kiểm tra giữa kỳ. Chỉ vài ngày sau, cậu đã tự tử vì áp lực tâm lý
Nam sinh Cohen bị chẩn đoán tâm lý không tốt nên gia đình đã nhờ nhà trường quan tâm cậu nhiều hơn. Nhưng sau cùng, cậu học sinh vẫn ra đi mãi mãi...
Mãi đến vài ngày sau đó, mẹ của Cohen mới được nhà trường thông báo về những điều đáng báo động và gửi bản sao chép bài thi chứa những điều lạ thường của con trai đến nhà. “Chúng tôi thật sự rất sốc vì không được ai thông báo về những điều bất thường của Cohen trong bài thi từ sớm hơn” - mẹ Cohen bức xúc chia sẻ.
Một trong những giáo viên chấm bài thi của Cohen đã nói với một giáo viên khác rằng: “Nội dung những câu trả lời của Cohen không hề có sự liên quan đến nhau, cũng không liên quan đến nội dung câu hỏi.
Vấn đề không phải ở chỗ em ấy không thuộc bài nên ghi lung tung, mà nó liên quan đến sự thay đổi trong chính hành vi của em ấy. Tất cả được ghi đều là những từ ngẫu nhiên, vu vơ, có chút thẫn thờ, chẳng hạn như thức ăn, bảng chữ cái, câu hỏi hay lời bài hát…”.
Cha mẹ của Cohen rất tức giận khi biết rằng nhà trường đã nắm được rất nhiều thông tin, biểu hiện lạ từ cậu bé nhưng lại thờ ơ và dửng dưng, không chủ động thông báo với gia đình, dẫn đến sự ra đi thương tâm của Cohen.
Được biết, trước đây Cohen đã được chẩn đoán mắc chứng lo âu và trầm cảm, phải gặp bác sĩ tâm lý. Cha mẹ của cậu ấy đã tiết lộ kết quả chẩn đoán sức khỏe tâm thần này cho nhà trường của Cohen với mong muốn họ sẽ quan tâm đặc biệt với con trai mình. Gia đình cũng được bộ phận nhà trường cam kết rằng các nhân viên cấp cao sẽ theo sát và đặc biệt quan tâm đến hành vi của cậu bé.
Nhận xét của giáo viên về Cohen
Bà Pamella Fink nghẹn ngào chia sẻ: “Cohen là đứa trẻ ngoan, ham học hỏi, lễ phép, hài hước, biết yêu thương và quan tâm đến người thân, bạn bè xung quanh. Sự ra đi của thằng bé là mất mát lớn đối với gia đình chúng tôi. Những người anh em họ trong gia đình đều rất quý Cohen, họ ngưỡng mộ và khâm phục thằng bé. Tôi mong nó ở phương xa có thể nhìn thấy được tình cảm, sự nhớ nhung mà mọi người dành cho nó”.
Bà Pamella cũng chia sẻ thêm, Cohen đã chơi piano từ năm 11 tuổi - đó là những lúc cậu bạn bình tĩnh nhất cũng như là cách để giảm bớt căng thẳng. Ước mơ của Cohen là cố gắng học thật giỏi để hoàn thành ước mơ trở thành phi công của mình.
Bên cạnh đó, mẹ của Cohen cũng gửi lời nhắn nhủ và cảnh tỉnh đến những bậc phụ huynh đang có con ở lứa tuổi đến trường. Những đứa trẻ dễ dàng thay đổi tâm lý nếu không tinh tế sẽ khó phát hiện. Bởi Cohen có những biểu hiện rất bình thường, từ sinh hoạt đến các hành động, cử chỉ, thế nên bà không nghĩ đến việc con trai ở trường đã có sự khác thường trong hành vi như thế.
Vì thế mẹ Cohen đã công khai câu chuyện của con trai mình để cảnh báo đến các bậc làm cha mẹ, để không một đứa trẻ nào phải rơi vào cảnh tìm lời kêu cứu như thế. Qua đó, cha mẹ cũng nên có sự quan tâm sát sao đến con mình, liên lạc với trường học thường xuyên để kịp thời phát hiện tình huống xấu.
Nguồn: News