Nam Phi: Từ biểu tình đến bạo lực

Hà Anh |

Nam Phi đang chìm trong bất ổn sau khi cựu Tổng thống Zuma bắt đầu thực hiện án tù 15 tháng vào ngày 8/7, với tội danh bất tuân lệnh triệu tập của tòa án. Bạo lực bắt nguồn từ các cuộc biểu tình về chính trị hoặc sắc tộc, nhưng sau đó đã trở thành những hành vi tội phạm, như cướp phá và trộm cắp.

Các cửa hàng, siêu thị tại Nam Phi bị đập phá và cướp bóc. Ảnh: AP.

Các cửa hàng, siêu thị tại Nam Phi bị đập phá và cướp bóc. Ảnh: AP.

Nguy cơ khủng hoảng nhân đạo

Ngày 16/7, Chính phủ Nam Phi thông báo tình hình bạo loạn đang lan rộng tại quốc gia này đã cướp đi sinh mạng của 117 người, tăng mạnh so với con số 72 người chết được đưa ra vài ngày trước.

Quyền Bộ trưởng phụ trách Văn phòng Tổng thống, Khumbudzo Ntshavheni cho biết, Johannesburg - thành phố lớn nhất Nam Phi hiện “tương đối bình lặng” trong khi tình hình ở tỉnh KwaZulu-Natal, tâm chấn của bạo lực, “vẫn còn nhiều biến động”.

Cũng trong ngày 16/7, 25.000 binh sĩ Nam Phi đã bắt đầu tiếp quản nhiều vị trí trọng điểm nhằm hỗ trợ khôi phục an ninh. Trong đó, 10.000 binh sĩ đã được triển khai tuần tra trên khắp tuyến đường phố với sự hỗ trợ của cảnh sát.

Nhiều xe buýt, xe tải, máy bay và máy bay trực thăng đã được huy động để triển khai công tác dàn quân tại các điểm nóng ở tỉnh Gauteng và KwaZulu-Natal, nơi bạo lực bùng phát mạnh.

Ông Khumbudzo Ntshavheni cho biết, hơn 2.200 người đã bị bắt giữ vì tội cướp bóc và phá hoại. Chính phủ Nam Phi chịu sức ép phải tăng cường quân đội nhằm nhanh chóng chấm dứt tình trạng bạo lực đang làm ảnh hưởng đến nền kinh tế vốn gặp rất nhiều khó khăn.

Cơ quan quản lý hàng tiêu dùng ước tính hơn 800 cửa hàng bán lẻ đã bị cướp phá, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và các mạng lưới vận tải, đặc biệt ở tỉnh KwaZulu-Natal, tác động đến hàng hóa và dịch vụ trên cả nước.

Cũng theo nguồn tin từ Chính phủ Nam Phi, 208 vụ trộm cướp và cố ý phá hoại đã được ghi nhận trong ngày 15/7.

Trước đó, ngày 14/7, Công ty vận tải Transnet của nhà nước đã tuyên bố “tình trạng khẩn cấp vượt ngoài tầm kiểm soát” tại tuyến đường sắt trọng yếu nối Johannesburg tới bờ biển.

Tại thị trấn Soweto ở Johannesburg, bánh mì đã được bán tại xe vận chuyển ở bên ngoài một khu mua sắm vì các cửa hàng đã bị cướp hoặc buộc phải đóng cửa do lo ngại bị phá hoại.

Bạo lực cũng làm ngắt quãng nỗ lực tiêm vaccine ngừa Covid-19, cũng như hoạt động chuyển thuốc tới các bệnh viện. Nam Phi hiện là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất châu Phi, đã ghi nhận hơn 2,2 triệu ca nhiễm và đang ở điểm đỉnh của làn sóng lây nhiễm thứ 3.

Thậm chí, ngày 14/7, nhà máy lọc dầu lớn nhất Nam Phi cũng đã phải tạm ngừng hoạt động trong bối cảnh các cuộc biểu tình bạo loạn ngày càng leo thang.

Giám đốc điều hành tổ chức nhà nông lớn nhất Nam Phi (AgriSA), ông Christo van der Rheede cảnh báo, nếu luật pháp và trật tự không được lập lại, “chúng ta sẽ phải chứng kiến cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn”.

“Chúng tôi không biết phải chạy đi đâu”

Khi bạo lực đi qua, chỉ còn lại những người dân vô tội. Người dân địa phương đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất, sau khi làn sóng bạo loạn và cướp bóc hàng loạt quét qua Nam Phi.

Khi làn sóng hỗn loạn tạm lắng xuống, người dân Nam Phi đã thành lập các đội vệ sinh và đội giám sát an ninh để đối phó với hậu quả của điều mà Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa mô tả là một trong những trường hợp bạo lực tồi tệ nhất kể từ khi chế độ phân biệt chủng tộc kết thúc vào đầu những năm 1990.

“Chúng tôi không thể cho phép trung tâm mua sắm này bị cướp phá. Đó là lý do tại sao chúng tôi ở đây”, ông Nhla Nhlaous, lãnh đạo cộng đồng địa phương nói và không quên nhấn mạnh đến vai trò cần thiết của các tình nguyện viên tuần tra trên đường phố. Nhiều người đã đổ xô đi mua hàng hóa và nhiên liệu dự trữ bởi họ lo sợ rằng những kẻ cướp bóc có thể quay trở lại.

“Chúng tôi không an toàn ở Nam Phi. Chúng tôi không biết phải chạy đi đâu” - ông Tshepo Mabilo, chủ sở hữu một tổ chức phi lợi nhuận lo lắng.

Các tổ chức quốc tế lên tiếng

Trước tình hình hỗn loạn đang diễn ra ở Nam Phi, ngày 15/7, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat đã lên án tình trạng bạo lực gia tăng khiến ngày càng nhiều dân thường thiệt mạng.

Trong tuyên bố phát ra cùng ngày, ông Mahamat đã lên án bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất về sự gia tăng bạo lực dẫn đến cái chết của dân thường và đặc biệt lên án những hình ảnh khủng khiếp về cướp bóc tài sản công và tư nhân, phá hủy cơ sở hạ tầng, bao gồm cả việc đình chỉ các dịch vụ thiết yếu ở tỉnh KwaZulu-Natal, tỉnh Gauteng và cả những nơi khác ở Nam Phi.

Ông Mahamat kêu gọi khẩn cấp khôi phục trật tự, hòa bình và ổn định ở đất nước với đầy đủ sự tôn trọng pháp quyền. Ông cũng gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân và cầu chúc những người bị thương nhanh chóng bình phục.

“Nếu tình hình không sớm chấm dứt sẽ có thể gây ra những tác động nghiêm trọng không chỉ trong nước mà còn cả khu vực”, ông Mahamat cảnh báo.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng đang kêu gọi người dân Nam Phi giữ hòa bình và các cơ quan chức năng của đất nước kiềm chế trong bối cảnh bất ổn.

“UNICEF, với tư cách là một bộ phận của LHQ tại Nam Phi, kêu gọi tất cả người dân Nam Phi giữ hòa bình giữa đại dịch hiện nay, tôn trọng các quy trình Covid-19 và hỗ trợ chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai tiêm chủng liên tục mà không bị gián đoạn”, ông Toby Fricker, Trưởng ban Truyền thông và Đối tác của UNICEF ở Nam Phi nói và cho rằng, tình trạng bất ổn sẽ chỉ làm trầm trọng thêm những khó khăn xã hội và kinh tế hiện có ở Nam Phi, bao gồm tình trạng thất nghiệp, nghèo đói và bất bình đẳng cũng như tương lai của trẻ em.

Ông Fricker cũng cho biết, UNICEF rất đau buồn về cái chết được báo cáo của một cậu bé 15 tuổi trong tình trạng bất ổn và những tình huống kinh hoàng mà trẻ em gặp phải. UNICEF lo sợ bạo lực diễn ra vào thời điểm đất nước Nam Phi đang phải chống chọi với đợt Covid-19 thứ ba buộc các trường học phải đóng cửa, vì vậy trẻ em có thể tiếp xúc với bạo lực.

Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi khuyến cáo cộng đồng người Việt đang cư trú và làm ăn tại Nam Phi cần theo dõi sát diễn biến tình hình bất ổn tại địa bàn, không đến những khu vực đang là điểm nóng bất ổn, không đi lại vào ban đêm nếu không thật cần thiết và về nhà trước 20 giờ.

Hiện chưa ghi nhận công dân Việt Nam bị ảnh hưởng về tính mạng, sức khỏe và tài sản.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại