NSND Trần Lực sinh năm 1963 tại Hải Phòng trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật. NSND Trần Lực tốt nghiệp khoa đạo diễn sân khấu trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và tu nghiệp ở Bulgaria.
Anh được khán giả yêu mến qua các phim: Anh chỉ có mình em, Hoa ban đỏ, Mẹ chồng tôi, Sẽ đến một tình yêu, Đời hát rong, Chuyện tình bên dòng sông…
Ở tuổi 61, Trần Lực vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND – một sự ghi nhận về nghề nghiệp danh giá với bất cứ người nghệ sĩ nào. Vậy nhưng, đằng sau những hào quang của nghề lại là những góc khuất mà chỉ người trong cuộc mới biết.
Cha của NSND Trần Lực chính là cố NSND Trần Bảng, mẹ là cố NSƯT Trần Thị Xuân. Sinh trưởng trong gia đình sân khấu nên nghệ thuật cũng ngấm vào máu Trần Lực từ những buổi lẽo đẽo theo bố mẹ đi tập, đi diễn.
Nhà ở khu Mai Dịch, một bên là cải lương, bên kia là tuồng, chèo, dân ca nên đám trẻ con trong khu tập thể ấy cứ xem các cô chú diễn rồi bắt chước theo.
Trong mắt bố mẹ, cậu út Trần Lực luôn là nhất. Thời còn đóng phim điện ảnh, mỗi lần đi xem Trần Lực diễn là bố mẹ anh sẽ nói "con mình đóng hay thật", kể cả phim có dở thì họ cũng bảo "chán chết, may có mày đóng".
Khi Trần Lực mở hãng phim tư nhân, làm sân khấu tư nhân, cũng chính bố mẹ là người ủng hộ nhiệt thành. Khi bố đổ bệnh, không thể đi ra ngoài nên mỗi lần dựng vở mới, nam NSND lại quay trích đoạn về cho bố xem và ông khen "mày là số một".
Trần Lực và bố - cố NSND Trần Bảng.
Hơn chục năm trước, Trần Lực từng mua căn nhà rộng rãi để đón bố mẹ về ở chung nhưng ông bà lại thích ở riêng. Nhân lúc anh đi công tác ở TPHCM, hai người lén dọn về nhà cũ. Mãi tới khi mẹ qua đời, bố anh mới dọn về ở cùng trai út.
Vì gần gũi với bố mẹ từ nhỏ nên tình cảm mà NSND Trần Lực dành cho cha mẹ vô cùng nhiều. Mới đây, trong một bài trả lời phỏng vấn, NSND Trần Lực tâm sự, anh có hai thời điểm kỳ lạ trong đời đó là khi bố và mẹ mất.
Năm 2016, lúc sân khấu tư nhân của anh chuẩn bị đi vào hoạt động, cả nhà háo hức hẹn nhau đi xem vở diễn khai trương, còn chưa kịp diễn thì mẹ anh qua đời.
Mới đây cũng thế, chỉ còn 2 ngày nữa là ra vở mới thì bố anh mất. Lòng dạ rối bời vì lo hậu sự và cả nỗi đau mất cha nhưng Trần Lực vẫn phải lên sân khấu diễn vì vé đã bán, địa điểm cũng đã thuê.
Lúc chuẩn bị lên sân khấu, sức lực của anh gần như bị rút cạn, không thể diễn nổi nhưng khi nhìn xuống khán phòng, anh có cảm giác như bố đang ngồi đâu đó vậy là anh có động lực để diễn.
Vậy nhưng "Khi màn nhung khép lại, tôi ngồi rũ ra ở một góc, khóc rưng rức", nam NSND kể trên tờ Vnexpress. Đến giờ, Trần Lực vẫn cảm thấy hụt hẫng, chênh vênh vì sự ra đi của bố.
NSND Trần Lực dành nhiều tình yêu cho bố.
Điều nam nghệ sĩ tiếc nuối nhất là không thể chia sẻ niềm vui khi nhận danh hiệu NSND với bố - người luôn khuyến khích và động viên anh trong nghề.
Hiện tại, NSND Trần Lực vẫn đang giảng dạy tại trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội bên cạnh duy trì sân khấu riêng mang tên Lực Team. Dù từng có lúc làm phim thua lỗ hàng tỷ đồng nhưng nam NSND không dằn vặt, đau khổ mà vẫn ấp ủ những dự án mới, những tác phẩm có giá trị nhân văn và ý nghĩa.
Về đời tư, Trần Lực khá lận đận trong hôn nhân. Anh kết hôn lần đầu khi mới 20 tuổi và đang trong thời gian học tại Bulgari, vợ anh khi ấy là một nghệ sĩ piano nổi tiếng.
Năm 1991, anh về nước cùng con trai mà không có vợ đi cùng và cho tới sau này, nam nghệ sĩ chưa từng một lần nhắc đến nguyên nhân đổ vỡ của cuộc hôn nhân đầu.
Người vợ thứ hai của Trần Lực là biên tập viên nổi tiếng của Đài truyền hình Việt Nam nhưng cuộc hôn nhân này cũng chỉ kéo dài được 3 năm thì tan vỡ. Và nguyên nhân là do hai người quá bận rộn với công việc.
Hiện tại, nam NSND đang có cuộc sống hạnh phúc bên người vợ thứ ba tên Bùi Mỹ Trang và 3 người con ngoan. Ở cuộc hôn nhân này, anh khá kín tiếng.