Tại nơi làm việc, những người thực sự nổi bật không chỉ có năng lực vượt trội mà còn suy nghĩ thấu đáo, ứng xử thông minh. Bạn có thể không cần quá khéo léo nhưng nên hiểu rõ quy tắc giao tiếp. Chỉ khi nắm vững những nguyên tắc đối nhân xử thế, con đường sự nghiệp của bạn có thể tiến xa hơn.
3 lời không nói
Khi tôi mới đi làm, sếp của tôi đã nhắc lại rất nhiều lần với tôi rằng: "Ở nơi công sở, nói nhiều sai nhiều. Muốn sớm thành công trong công việc, chỉ cần làm nhiều, nói ít”.
Đến bây giờ, khi nghĩ lại lời nói đó, tôi càng thêm thấm thía. Ở nơi làm việc, chúng ta cũng cần biết lời nào nên nói và lời nào không nên nói.
1. Lời khoe khoang
Bạn có từng gặp những người luôn thích khoe mẽ. Họ luôn kể về việc đã ký được bao nhiêu hợp đồng lớn, mang về bao nhiêu tiền cho công ty, họ khoe khoang về thành tích như thể công ty sẽ không thể vận hành nếu thiếu họ.
Lâu dần, sếp chẳng mấy thiện cảm với họ, đồng nghiệp cũng xa lánh. Người thực sự đáng tin cậy chỉ nói những gì mình làm được, không khoe khoang, khoác lác về bản thân.
Làm tốt một việc còn có ích hơn là nói cả trăm lời khoe khoang hoa mĩ. Tại nơi làm việc, bạn làm nhiều điều có giá trị hơn, bạn mới có thể trở thành bậc thầy.
2. Lời nóng giận
Tôi rất đồng tình với câu nói của Lâm Ngữ Đường: "Khi tức giận, thà nói ít một lời còn hơn thốt ra một câu dư thừa”.
Trong lúc tức giận, những suy nghĩ, lời nói tiêu cực dễ dàng bộc phát. Đặc biệt ở nơi làm việc, nếu bạn buông ra những lời nóng giận, hậu quả thường rất nặng nề. Nhẹ thì bị trừ lương, nặng có thể mất việc.
Những lúc càng tức giận, càng cần kiềm chế lời nói. Hãy tập trung giải quyết vấn đề, đừng để cảm xúc tiêu cực làm ảnh hưởng.
3. Lời phàn nàn
Trong một cuốn sách, có kể một câu chuyện. Sau khi anh Phương đi du học về đã được nhận vào giảng dạy tại một trường ĐH. Tuy nhiên, vì năng lực chỉ ở mức giới hạn, anh được phân công dạy một môn học không phải môn trọng tâm. Điều này khiến anh đầy bất mãn. Anh liên tục phàn nàn rằng lương thấp, lúc lại than phiền đồng nghiệp cô lập mình. Điều quan trọng là anh không chịu làm việc một cách nghiêm túc. Kết quả, trường ĐH này đã sa thải anh.
Tại nơi làm việc, đừng liên tục nói lời phàn nàn. Điều quan trọng nhất vẫn là tập trung hoàn thành tốt công việc, đây chính là tâm lý mà một người trưởng thành nên có.
3 điều không tiết lộ
Trong môi trường làm việc, đừng đánh giá cao quá mức mối quan hệ giữa bạn và các đồng nghiệp. Đồng nghiệp là đồng nghiệp, khi đối mặt với lợi ích, không tránh khỏi những sự tính toán về lợi ích. Đừng dễ dàng tiết lộ đời tư của bạn.
Không nên tiết lộ hết mọi chuyện về bản thân, việc giữ lại một phần thông tin riêng của mình mới chính là cách ứng xử phù hợp nhất.
1. Không tiết lộ gia cảnh
Không biết bạn đã từng có trải nghiệm này chưa? Nghĩ rằng mình đã thân thiết với đồng nghiệp nên kể hết chuyện về gia đình mình. Nhưng bạn không nhận ra rằng, ở nơi làm việc, bên cạnh năng lực thì yếu tố về điều kiện, gia cảnh cũng là chủ đề được mọi người quan tâm, chú ý.
Nếu gia cảnh của bạn khá giả, bạn có thể sẽ khiến người khác ghen tị. Nếu gia cảnh bạn khó khăn, đồng nghiệp tính cách không tốt cũng sẽ có thể đối xử bất công với bạn.
Dù quan hệ với đồng nghiệp tốt đến đâu, đừng dễ dàng tiết lộ gia cảnh của mình. Giữ khoảng cách vừa đủ là cách nhìn xa trông rộng ở chốn công sở.
2. Không tiết lộ chuyện riêng tư
Việc tiết lộ quá nhiều chuyện đời tư cá nhân có thể khiến người khác nắm được “điểm yếu” của bạn, nhất là môi trường cạnh tranh như nơi làm việc.
Có câu: “Sông sâu biển thẳm dễ dò, nào ai lấy thước mà đo lòng người”. Khi bạn kể cho người khác nghe chuyện cá nhân của mình, bạn đang tạo cơ hội cho họ làm tổn thương bạn.
Ở nơi làm việc, việc giữ sự riêng tư sẽ khiến công việc bớt mệt mỏi hơn.
3. Không tiết lộ thu nhập
Có người nói: “Sau khi đi làm, 2 câu hỏi sợ bị hỏi nhất là tương lai và thu nhập”. Trong công sở, điều kiêng kỵ nhất là bàn tán về lương.
Nếu lương của bạn cao hơn người khác, họ có thể ghen tị. Nếu lương của bạn thấp hơn, bạn sẽ cảm thấy không thoải mái, không vui. Khi nói đến lương, nếu bạn kín tiếng, bạn sẽ làm việc thuận lợi hơn trong công ty.
3 kiểu người không kết thân
Trong môi trường công sở, không phải ai cũng thích hợp để kết thân. Bạn có thể gặp phải những người xấu, họ chỉ biết tận dụng năng lượng của bạn. Đối với những người như vậy, việc tránh xa là điều khôn ngoan.
1. Người lười biếng, làm việc qua loa
Bạn đã bao giờ để ý kiểu người xung quanh mình như thế này chưa: Họ là những người nổi tiếng "lười biếng" trong công ty, thường tìm cách trốn việc và làm việc qua loa. Nếu bạn tiếp xúc với họ lâu, bạn sẽ dần mất đi động lực và chỉ muốn làm việc qua loa cho xong ngày.
Hãy dành nhiều thời gian hơn với những người có năng lượng tích cực, bạn sẽ cảm thấy công việc dễ dàng hơn, có tinh thần làm việc hơn.
2. Người hay phàn nàn, than phiền
Ở nơi làm việc nào cũng có kiểu người "liên tục than vãn". Họ luôn than phiền về cấp trên, phàn nàn về sự phân công công việc không công bằng hoặc mức lương thấp. Nếu bạn kết bạn thân thiết với những người này, khi liên tục phải nghe những lời than phiền, cuối cùng chỉ làm mất thời gian của bạn. Khi không bị vướng vào các vấn đề tiêu cực, bạn mới có thể tập trung làm việc tốt hơn.
3. Người giả tạo, hai mặt
Ở nơi làm việc, kiểu người nào là đáng sợ nhất? Câu trả lời là: Những người giả tạo, hai mặt. Những người này có thể tươi cười với bạn lúc này nhưng một lúc sau đã có thể đi nói xấu bạn với sếp. Khi hợp tác, làm việc với những người hai mặt, bạn nên cảnh giác để tránh bị tính toán. Nhìn rõ bản chất sự việc và tránh xa những người này là cách “bảo vệ” tốt nhất cho bản thân.
Theo Toutiao