Năm 2022 và sứ mệnh vũ trụ

Bảo Thư |

Năm 2022, tròn 50 năm tàu con thoi Apollo đưa con người đặt chân lên Mặt trăng. 2022 cũng là năm bùng nổ của ngành công nghiệp vũ trụ thế giới. Trong đó nổi bật là việc trở về Trái đất an toàn của tàu vũ trụ Orion sau khi đã chụp được hình ảnh chưa từng thấy: Mặt trăng che khuất Trái đất. Cùng đó là tàu Thần Châu 14 hoàn thành nhiệm vụ sau 6 tháng lơ lửng trong vũ trụ.

Năm 2022 và sứ mệnh vũ trụ - Ảnh 1.

Năm 2022 chứng kiến những bước tiến mới trong nỗ lực khám phá vũ trụ. Nguồn: Shutterstock.

Những gì đạt được trong nỗ lực khám phá Mặt trăng và sao Hỏa năm 2022 được cho là sẽ giúp tỷ phú Jeff Bezos sớm thỏa ước nguyện xây dựng khu công nghiệp trong vũ trụ; đồng thời việc con người có thể du lịch trong vũ trụ cũng không còn là điều viển vông.

Tháng 6/2022, tàu Thần Châu 14 của Trung Quốc được phóng vào không gian với nhiệm vụ xây dựng Trạm vũ trụ Thiên Cung. 5 tháng sau, tàu Thần Châu 15 tiếp tục được phóng lên, đánh dấu lần đầu tiên việc Trung Quốc thay người trên vũ trụ.

Tháng 8, Hàn Quốc phóng tàu thăm dò Mặt trăng đầu tiên của nước này mang tên Danuri. Tháng 9, công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk phóng tàu thứ 40 vào không gian.

Tháng 11, NASA phóng thành công tàu vũ trụ Orion thuộc sứ mệnh Artemis-1, chuẩn bị đưa con người quay lại Mặt trăng sau nửa thế kỷ.

Ngành công nghiệp vũ trụ không chỉ là những khám phá khoa học, mà đang và sẽ mang lại nhiều lợi ích thương mại cho những chính phủ và các công ty công nghệ vũ trụ. Năm 2022 là một năm mang tính biểu tượng với ngành khoa học vũ trụ. 50 năm trước, các chính phủ chạy đua xem ai đưa được con người vào không gian. Nhưng năm 2022, các chính phủ đua xem ai sẽ làm chủ được không gian đó và khai thác được lợi ích thương mại gì.

Ông Jason Andrews - nhà kinh doanh lĩnh vực hàng không cho rằng công nghệ hàng không vũ trụ hiện nay cũng giống như cách đây 100 năm khi mà chỉ người giàu mới được đi máy bay. Nhưng bây giờ một tấm vé bay là đơn giản. “Du lịch vũ trụ cũng phải bắt đầu từ con số ít giống như đi máy bay vậy” - ông Andrews nói.

Bà Michelle Hanlon - Luật sư Hàng không vũ trụ Trường Luật Mississippi cho rằng: Hàng nghìn mối nguy hiểm có thể xảy ra khi con người bay ngoài không gian và chúng có thể dẫn đến tử vong. Một chiến dịch giải cứu cũng sẽ rất đắt đỏ, nếu có sự cố xảy ra. Nhưng điều đó cùng không làm mất đi khát vọng bay vào vũ trụ của loài người.

Tối 4/12, tàu vũ trụ Thần Châu 14 của Trung Quốc cùng 3 phi hành gia đã trở về Trái đất an toàn sau 6 tháng lơ lửng. Trước đó, ngày 5/6, Thần Châu 14 được phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở tây bắc Trung Quốc, mang theo 3 nhà du hành vũ trụ với nhiệm vụ tham gia xây dựng Trạm vũ trụ Thiên Cung theo cấu trúc 3 module cơ bản, bao gồm module lõi Thiên Hòa hiện nay đang quay quanh Trái đất và 2 module Vấn Thiên, Mộng Thiên.

Tiếp đó, tối 29/11, Trung Quốc lại phóng tàu Thần Châu 15 đưa 3 phi hành gia nước này lên quỹ đạo để thực hiện sứ mệnh cuối trong kế hoạch xây dựng Trạm vũ trụ Thiên Cung. Đây là lần phóng thứ 6 trong chương trình vũ trụ có người lái của Trung Quốc trong năm 2022. Như vậy, nếu như Trạm không gian quốc tế (ISS) thật sự "nghỉ hưu" vào năm 2025 thì Thiên Cung sẽ trở thành trạm vũ trụ duy nhất trong không gian.

Về phía Mỹ, lúc 9h40’ ngày 11/12 (giờ địa phương), tàu Orion đã hạ cánh xuống Thái Bình dương ngoài khơi San Diego rồi được đưa lên một tàu của Hải quân Mỹ đã chờ sẵn. Orion đã bay ở vị trí cách cách Trái đất khoảng 434.523 km, mức xa nhất mà một tàu vũ trụ được thiết kế chở người có thể đạt đến. Từ khoảng cách này, Orion đã chụp được hình ảnh chưa từng thấy: Mặt trăng che khuất Trái đất.

Ông Bill Nelson - Giám đốc NASA, nói: "Năm 2022 chúng ta không chỉ đi xa hơn vào vũ trụ và về nhà nhanh hơn, mà Artemis còn mở đường cho việc sống và làm việc trong không gian thăm thẳm, trong một môi trường khắc nghiệt, để phát minh, sáng tạo và cuối cùng là để tiếp tục hướng tới những nỗ lực không mệt mỏi nhằm đưa con người lên sao Hỏa".

Trong khi đó, bà Debbie Korth - Phó giám đốc Chương trình Orion, cho biết: "Chúng tôi rất hài lòng về hoạt động của tàu vũ trụ này khi nó đã bay xa hơn 64.374 km phía sau phần tối của Mặt trăng, cách bề mặt Trái đất 434.523 km. Khi quay trở lại Trái đất, Orion đã bay được quãng đường hơn 2,2 triệu km. Đây là một kỷ lục trong vòng 50 năm và càng cho thấy năm 2022 nhân loại đã có những tiến bộ lớn lao trong ngành công nghiệp vũ trụ. Đó là điều rất đáng tự hào”.

Năm 2022, ngành công nghiệp vũ trụ bước vào giai đoạn mà Giám đốc điều hành của Space Foundation, tiến sĩ Tom Zelibor, gọi là “kỷ nguyên của khả năng tiếp cận và cơ hội”. Theo thespacereport.org, năm 2022, ngành công nghiệp vũ trụ mở rộng quy mô giá trị gần 500 tỷ USD với lượng lao động ước tính khoảng 400.000 người. Ngay từ tháng 1/2022, khoảng 90 nước có những hoạt động liên quan tới ngành công nghiệp vũ trụ. Đáng chú ý, ít nhất 8 quốc gia có khả năng phóng tàu vũ trụ lên quỹ đạo một cách ổn định, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Iran, Israel và Nhật Bản. Trong năm 2022, đã có 16 phương tiện phóng mới ra mắt lần đầu tiên, dẫn đầu là tên lửa Hệ thống phóng không gian (SLS) của NASA trong sứ mệnh trở lại Mặt trăng tháng 11/2022. Cùng đó có 10 công ty tham gia cuộc đua thương mại vũ trụ, tăng gấp đôi số lượng các công ty có khả năng phóng vệ tinh và tàu vũ trụ vào quỹ đạo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại