Năm 2018: Tưởng là thời cơ hưởng lợi nhưng Trung Quốc lại gặp vận rủi

Minh Khôi |

Vào năm 2017, khi Tổng thống Trump lên cầm quyền và thực thi chính sách Nước Mỹ trên hết, nhiều người đã tưởng rằng Bắc Kinh sẽ có cơ hội củng cố vị trí lãnh đạo toàn cầu.

Bài viết thể hiện quan điểm của cây bút bình luận Karrim Raslan của tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (South China Morning Post). 

Quay trở lại năm 2017, chúng ta đã dự đoán về một viễn cảnh rằng, một Tổng thống Mỹ vô trách nhiệm và thiếu hiểu biết - Donald Trump - lên nắm quyền, có khả năng giúp ông Tập Cận Bình chiếm lĩnh vai trò lãnh đạo toàn cầu. Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường mang dấu ấn của nhà lãnh đạo Trung Quốc đã được khởi xướng để củng cố tham vọng của Trung Quốc trên toàn cầu.

Tuy nhiên, 2018 đã là một năm tồi tệ đối với Trung Quốc.

Trước hết, Vành đai và Con đường đã thất bại. Sáng kiến này đã trở thành đối tượng của những lời chỉ trích không ngừng, nếu không nói là chế giễu. Trên toàn cầu, các dự án thuộc sáng kiến này đã bị chỉ trích vì được định giá quá cao và mất kết nối với nhu cầu phát triển của các nước sở tại. Các nước bị sa lầy trong tham nhũng và các khoản nợ.  Tóm lại, nước khác trả, Trung Quốc được lợi.

Ở châu Phi, dự án đường sắt Nairobi-Mombasa đã phải chịu những tổn thất đáng kể trong vòng một năm hoạt động khi lưu lượng hàng hóa trên tuyến đường quan trọng này vẫn chủ yếu được vận chuyển bằng xe tải.

Tại Sri Lanka, cảng Hambantota đã phải chấp nhận cho nhà thầu Trung Quốc thuê trong 99 năm và luôn được nêu ra như một ví dụ về việc sa lầy vào chiến lược ngoại giao bẫy nợ của Bắc Kinh.

Tân Thủ tướng của Pakistan Imran Khan đã bày tỏ thái độ gay gắt khi đánh giá về Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) trị giá 60 tỷ USD, nằm trong dự án Vành đai và Con đường.

Ngoài cơ sở hạ tầng, các cáo buộc gián điệp công nghiệp đã khiến các cường quốc phương Tây ngày càng cảnh giác với các doanh nghiệp của Trung Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước.

Trong khi đó, các hạn chế trong nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu lộ diện và siêu cường kinh tế càng ngày càng có vẻ kém bất khả chiến bại. Khoản nợ của nước này, hiện được ước tính là lớn hơn 3 lần so với GDP đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng.

Tăng trưởng chậm lại, trong khi các dữ liệu sơ bộ cho thấy nhiều tỉnh sẽ không đạt được mục tiêu GDP. Ngoài ra, nhu cầu chi tiêu trong nước giảm đi, cho thấy người dân ngày càng mất niềm tin vào tăng trưởng của Trung Quốc.

Đối mặt với một loạt các thách thức cả trong và ngoài nước, Bắc Kinh có thể có một số lựa chọn theo ý của mình.

Đầu tiên, Bắc Kinh có thể tự cô lập, mặc dù trong lịch sử điều này chưa bao giờ có lợi cho Trung Quốc. Một ví dụ điển hình là các lãnh đạo hướng nội và thiển cận ở triều đại nhà Thanh đã khiến Trung Quốc tê liệt trước các quốc gia phương Tây hướng ngoại.

Thứ hai, Bắc Kinh có thể chọn phương pháp hiếu chiến hơn, gia tăng áp lực với các nước láng giềng về cả địa chính trị và kinh tế.

Một lựa chọn thứ ba và nhiều khả năng diễn ra nhiều hơn. Đó là Bắc Kinh sẽ chấp nhận thỏa hiệp, bao gồm thực hiện các giao dịch mua hàng hóa đáng kể từ Mỹ và đàm phán lại các dự án thuộc Vành đai và Con đường.

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã buộc Trung Quốc phải xem xét lại Kết nối đường sắt Bờ biển phía Đông gây tranh cãi. Ngay cả Myanmar cũng đã thu hẹp dự án cảng nước sâu Kyaukpyu từ 7,2 tỷ USD Mỹ xuống chỉ còn 1,3 tỷ USD.

Chừng nào Trung Quốc còn mạnh tay với các nước láng giềng ở châu Á, phần còn lại của khu vực sẽ cảm thấy an toàn hơn khi thấy "kẻ bắt nạt" bị một "kẻ bắt nạt" khác lớn hơn uy hiếp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại