Cảnh sát sử dụng hơi cay, lựu đạn gây choáng để giải tán biểu tình ở TP Naypyitaw ngày 8-3. Ảnh: Reuters
Bất chấp lệnh giới nghiêm ban đêm, hàng ngàn người ở Yangon xuống đường để ủng hộ phong trào biểu tình của thanh niên diễn ra liên tục kể từ sau vụ đảo chính ngày 1-2. Trong ngày 8-3, cảnh sát ập vào quận Sanchaung (Yangon), nổ súng và quăng lựu đạn gây choáng và tuyên bố lục soát từng nhà để kiểm tra ai không phải là người dân sống tại khu vực này. Bất cứ ai che giấu người biểu tình sẽ bị phạt.
Theo Liên Hiệp Quốc (LHQ), cảnh sát Myanmar bắt đầu nổ súng và bắt người ở Sanchaung từ khoảng 22 giờ ngày 8-3 (giờ địa phương). Đến rạng sáng ngày 9-3, khoảng 20 người đã bị bắt giữ sau khi cảnh sát khám xét nhà, theo thông tin từ truyền thông và người dân địa phương đăng trên Facebook.
Đài truyền hình MRTV ủng hộ quân đội đưa tin: "Chính phủ đã hết kiên nhẫn trong khi cố gắng hạn chế tối đa thương vong trong việc ngăn bạo loạn. Hầu hết mọi người muốn yên ổn trở lại và đang kêu gọi các biện pháp chống bạo loạn hiệu quả hơn".
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết cơ quan này đang theo dõi sát tình hình hàng trăm người biểu tình hòa bình bị vây trong một khu dân cư nhiều giờ. Ông Antonio Guterres kêu gọi kiềm chế tối đa, tránh mọi bạo lực và trả tự do cho những người bị bắt giữ.
Văn phòng LHQ ở Myanmar và các đại sứ quán Anh, Mỹ đồng loạt kêu gọi Myanmar để người biểu tình rời khỏi Sanchaung mà không sử dụng bạo lực hay bắt giữ họ. Tuy nhiên, hiện chưa có dấu hiệu cho thấy lực lượng an ninh sẽ nhượng bộ.
Tại quận Lanmadaw của Yangon, người dân cho biết lực lượng an ninh đã phá cửa khi tiến hành đột kích trong đêm. Một số người nghi là binh lính vận chuyển vũ khí trên một xe riêng.
Một phụ nữ viết trên Facebook: "Xin hãy giúp đỡ, cửa nhà tôi bị đập phá". 20 phút sau, người này cho biết cha và chú của cô đã bị đưa đi nhưng không biết đi đâu.
Cảnh sát trấn giữ trước đám đông biểu tình ở Yangon ngày 8-3. Ảnh: Reuters
Theo các nhân chứng và truyền thông địa phương, 3 người biểu tình đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình tại phía Bắc Myanmar và vùng Irrawaddy hôm 8-3. Đến nay, hơn 60 người thiệt mạng và hơn 1.800 người bị bắt kể từ khi đảo chính nổ ra tại Myanmar đầu tháng trước.
Các cuộc biểu tình, đình công vẫn tiếp tục nổ ra ở nhiều thành phố lớn của Myanmar, trong khi cảnh sát và binh sĩ dùng đạn thật, hơi cay và lựu đạn choáng để giải tán biểu tình.
Ngày 8-3, Đại sứ Myanmar tại Anh Kyaw Zwar Minn kêu gọi thả cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và những người bị bắt giữ sau cuộc đảo chính. Theo Reuters, đại sứ Myanmar đưa ra tuyên bố sau cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab. Ngay sau đó, ông Raab cũng ra tuyên bố ủng hộ đại sứ Kyaw Zwar Minn và yêu cầu chấm dứt bạo lực, khôi phục dân chủ ở Myanmar.