Bà cam kết chính phủ Myanmar sẽ bảo đảm quyền bình đẳng và tôn trọng các nhóm sắc tộc tham gia đàm phán.
“Hội nghị Panglong thế kỷ 21” khai mạc vào ngày 31.8 tại thủ đô Naypyitaw với mục đích chấm dứt các cuộc nổi dậy đòi ly khai kéo dài hàng thập kỷ.
Tham dự hội nghị kéo dài 5 ngày này có đại biểu của chính phủ Myanmar và 17/20 nhóm sắc tộc chính (chiếm 40% dân số Myanmar), bao gồm các nhóm sắc tộc tại Karen, Kachin, Shan và Wa. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon và Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing có mặt tham dự hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Cố vấn quốc gia Aung San Suu Kyi nhấn mạnh:
“Đây là cơ hội duy nhất để chúng ta thực hiện một nhiệm vụ to lớn sẽ được xem là một bước ngoặt trong lịch sử. Với trí tuệ, lòng can đảm và sự kiên trì, chúng ta hãy nắm bắt cơ hội tuyệt vời này và tạo ra tương lai tươi sáng”.
Bà Suu Kyi khẳng định đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ của bà luôn tổ chức đàm phán chính trị “dựa trên tinh thần Panglong và nguyên tắc tìm kiếm giải pháp thông qua bảo đảm quyền lợi bình đẳng, tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau giữa các nhóm sắc tộc”.
Bà khẳng định: “Chính phủ được bầu lên từ cuộc bầu cử năm 2015 sẽ tiếp tục tuân thủ nguyên tắc này”.
Ông Khun Than Myint, người điều hành hội nghị hòa bình, cho biết: “Mọi người dân của chúng tôi đều muốn hòa bình. Do đó tôi tin chúng ta sẽ đạt được hòa bình tại hội nghị này”.
Khu Oo Reh, người phát ngôn của Hội đồng Liên bang các sắc tộc thống nhất (UNFC) đại diện cho các nhóm sắc tộc vũ trang, đánh giá:
“Còn quá sớm để nói điều gì. Nhưng chúng tôi thực sự hy vọng rằng chúng ta sẽ đạt được dân chủ thực sự và bình đẳng cho mọi nhóm sắc tộc cũng như quyền tự quyết trong khu vực của chúng tôi”.
Bà Suu Kyi chụp ảnh cùng đại biểu của lực lượng quân đội người Wa (UWSA) ngày 29.8 - Ảnh: Washington Post
“Hội nghị Panglong thế kỷ 21” được xem là hội nghị tiếp nối của hội nghị hòa bình Panglong được tổ chức năm 1947.
Tại kỳ hội nghị lần đó, cha của bà Suu Kyi là tướng Aung San cùng các nhóm sắc tộc đã gặp gỡ để đàm phán về phân chia lại quyền lực cho các bên sau khi Myanmar giành được độc lập khỏi Anh.
Tuy nhiên sau đó, tướng Aung San bị ám sát và thỏa thuận đạt được trong hội nghị năm 1947 bị phá vỡ. Các nhóm sắc tộc cáo buộc các đời chính phủ Myanmar kế tiếp, chủ yếu là chính phủ quân sự, không tôn trọng thỏa thuận.
Cuộc nổi dậy đầu tiên do nhóm sắc tộc Karen tiến hành. Các nhóm sắc tộc khác nổi dậy sau đó với cùng một mục đích là đấu tranh cho quyền tự trị, chống lại nỗ lực của tộc người Miến Điện (Burma) chiếm đa số truyền bá ngôn ngữ, tôn giáo và văn hóa đến các vùng dân tộc thiểu số.
Các nhóm phiến quân đã kiểm soát một số vùng lãnh thổ xa xôi ở phía bắc và phía đông dọc theo biên giới của Myanmar và Trung Quốc, Thái Lan.
Xung đột, đặc biệt là xung đột tại phía bắc nơi phiến quân người Kachin đang đụng độ với quân đội Myanmar, đã khiến hơn 100.000 dân thường phải tị nạn chỉ tính riêng trong năm 2011. Ít nhất hơn 100.000 người khác cũng đã phải chạy sang các trại tị nạn ở Thái Lan.