Chính quyền Tổng thống Trump vẫn có kế hoạch áp đặt các lệnh trừng phạt lên Thổ Nhĩ Kỳ và loại bỏ Ankara khỏi chương trình tiêm kích F-35 nếu đồng minh NATO này tiếp nhận hệ thống phỏng không S-400 của Nga , bất chấp tuyên bố trái ngược của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan trước đó.
Sau cuộc gặp với Tổng thống Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản cuối tuần trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho biết sẽ không có lệnh trừng phạt nào của Mỹ đối với việc nước này mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga.
Tổng thống Trump dường như tán đồng với ông Erdogan tại các cuộc thảo luận và chần chừ trong việc công khai xác nhận về lệnh trừng phạt dù nhiều lần báo chí đặt câu hỏi.
Tuy nhiên, các quan chức chính phủ Mỹ đã khẳng định với Reuters rằng ít nhất cho tới nay, Mỹ vẫn có ý định sẽ áp đặt lệnh trừng phạt lên Thổ Nhĩ Kỳ và loại nước này khỏi chương trình F-35 nếu Ankara tiếp nhận hệ thống S-400 từ Moscow như dự kiến.
"Mỹ tuyên bố rõ ràng rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đối mặt với những hậu quả tiêu cực thực sự nếu nước này tiếp nhận hệ thống S-400, trong đó có việc dừng các thủ tục và sự tham gia của Ankara trong chương trình F-35 cũng như áp đặt các lệnh trừng phạt theo Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA)", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định.
Nếu Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 và áp đặt trừng phạt lên quốc gia này, đây sẽ là một trong những sự đổ vỡ nghiêm trọng nhất trong quan hệ gần đây giữa 2 quốc gia.
Tổng thống Trump để duy trì quan hệ với ông Erdogan có thể sẽ nỗ lực thay đổi tình hình bằng cách trì hoãn trừng phạt, song động thái này mặc dù có thể làm "yên lòng" Ankara nhưng lại khiến các đồng minh của ông Trump trong Quốc hội không mấy hài lòng.
Trên thực tế, các lệnh trừng phạt dù nhỏ của Mỹ có thể khiến đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ lao dốc đáng kể. Đồng lira mất giá 30% năm 2018 đã khiến nền kinh tế của nước này rơi vào suy thoái và năm nay, đồng tiền của Thổ Nhĩ Kỳ lại mất giá thêm 10% nữa.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quyết định trì hoãn trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ nếu xảy ra vẫn ít khó khăn hơn nhiều so với việc đảo ngược đe dọa của Mỹ về việc loại Ankara khỏi chương trình F-35.
Mỹ từng khẳng định hệ thống phòng không S-400 của Nga không tương tích với mạng lưới phòng thủ của NATO và có thể gây tổn hại đến tiêm kích tàng hình F-35 mà Thổ Nhĩ Kỳ đang hỗ trợ phát triển và có kế hoạch mua.
Các thành viên đảng Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội đều phản đối mạnh mẽ việc để Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tham gia cả 2 chương trình này.
Washington đã chứng minh mình không "nói chơi" khi bắt đầu quy trình loại bỏ sự tham gia của Ankara trong chương trình F-35. Mỹ đã dừng đào tạo cho các phi công Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến máy bay này.
Theo đó, một số chuyên gia tin rằng, Tổng thống Trump có thể thay đổi tình hình mà khả năng là sẽ sử dụng thỏa thuận về việc mua bán hệ thống Patriot vào phút chót như một cách để giữ thể hiện cho cả ông và ông Erdogan./.