Ankara và hợp đồng S-400: Mua bán chỉ là "phụ", đòn cân não với Mỹ - Nga mới "đáng xem"?

Hoàng Xuân Thường |

Ankara muốn mua hệ thống phòng không S-400 của Moscow - trái với yêu cầu của Mỹ, nước đang tìm cách ngăn cản thỏa thuận của Thổ Nhĩ Kỳ.

Các quốc gia thành viên NATO cũng thể hiện lo lắng về việc này. Điều này có thể đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ như thế nào?

Ankara phải từ chối mua các hệ thống tên lửa phòng không S-400 (“Triumph”) của Nga và mua các hệ thống chống tên lửa Patriot của Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đặt ra yêu sách như thế lên Thổ Nhĩ Kỳ.

Và rõ ràng là ông Trump sẵn sàng đạt được mục tiêu của mình bằng mọi giá. Mỹ đã ra tối hậu thư yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ chậm nhất tới ngày 31/7 phải từ bỏ việc mua các hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga.

Nếu Ankara không đáp ứng yêu cầu này, Washington sẽ trục xuất các phi công Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang học tập tại Mỹ và loại bỏ các công ty Thổ Nhĩ Kỳ khỏi việc tham gia sản xuất máy bay chiến đấu F-35 - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ về hậu cần-kỹ thuật Ellen Lord tuyên bố trước các nhà báo tại Washington vào ngày 7/6.

Nhưng Ankara sẽ không từ chối hợp đồng với Moscow.

Ankara và hợp đồng S-400: Mua bán chỉ là phụ, đòn cân não với Mỹ - Nga mới đáng xem? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: SERGEI MALGAVKOGETTY IMAGES

Ankara không muốn từ bỏ hợp đồng với Nga

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói với hãng thông tấn nhà nước Anadolu rằng giới lãnh đạo Nga đã ký kết thỏa thuận với Ankara về việc cung cấp S-400 và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không muốn từ chối hợp đồng với Nga.

Tổng giá trị hợp đồng là 2,5 tỷ USD. Hệ thống S-400 của Nga (mà các bên đã đồng ý mua bán), có thể bắn trúng các mục tiêu khí động học ở khoảng cách lên tới 400 km và có thể đồng thời bắn hạ tới 80 mục tiêu.

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cũng thường xuyên xác nhận sự sẵn sàng của chính quyền nước này với việc mua sắm vũ khí Nga. Ông tuyên bố rằng sĩ quan quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại Nga đã được đào tạo về cách sử dụng và bảo trì S-400.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhận được hệ thống phòng không S-400 đầu tiên vào tháng 7. Nước này dự định sẽ đưa chúng vào nhiệm vụ trực chiến vào tháng 10/2019. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ như là biện pháp gây áp lực với Thổ Nhĩ Kỳ để buộc giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ hợp đồng với Moscow, trong suốt mấy tháng Washington đã gây áp lực mạnh mẽ lên đối tác NATO này.

Tổng thống Mỹ Trump đã nhiều lần chỉ trích ý định mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoại trưởng Mike Pompeo đã đe dọa Ankara các biện pháp trừng phạt. Theo kênh truyền hình CNBC của Mỹ, chính quyền Trump thậm chí đã đưa ra tối hậu thư cho ông Erdogan.

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ từ chối hủy hợp đồng với Nga thì Mỹ đe dọa sẽ loại trừ Ankara khỏi chương trình cung cấp máy bay F-35.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt mua hàng trăm máy bay tiêm kích-ném bom đa năng thế hệ thứ 5 như vậy, và các phi công đã được bắt đầu huấn luyện bay. Những biện pháp như vậy của chính quyền Mỹ là điều không mong muốn đối với Ankara.

Ankara và hợp đồng S-400: Mua bán chỉ là phụ, đòn cân não với Mỹ - Nga mới đáng xem? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: ANADOLU AGENCYGETTY IMAGES

Có thể cuối cùng, áp lực của Mỹ sẽ buộc Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ thỏa thuận với Nga. Kể từ năm ngoái, đất nước này đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính nghiêm trọng.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế của đất nước như thế nào, có thể nhận thấy từ ví dụ năm ngoái khi Washington áp thuế đối với các sản phẩm làm từ thép nhôm của Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi tòa án ở Thổ Nhĩ Kỳ từ chối thả mục sư người Mỹ Andrew Brunson.

Các biện pháp mà Mỹ áp dụng vào thời điểm đó được nhiều chuyên gia kinh tế gọi là một trong những yếu tố gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ cần S-400 của Nga

Ulrich Kuhn, một chuyên gia về chính sách an ninh, cho rằng lập trường cứng rắn của lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề mua S-400 của Nga dựa trên những lợi ích nhất định.

"Hợp đồng này nên được coi là một động thái ngoại giao cờ vua," chuyên gia nói.

Theo ông, chính quyền Trump đã tức giận chính phủ Erdogan khi Thổ Nhĩ Kỳ từ chối trao cho ông nhà thuyết giáo Fethullah Gulen. Ngoài ra, Mỹ đã coi quân nổi dậy người Kurd là đồng minh của họ ở Syria và Iraq, những người mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố.

Theo ông, hợp đồng với Nga là hợp lý đối với Thổ Nhĩ Kỳ và theo quan điểm quân sự: "Những tổ hợp vũ khí này sẽ được bố trí ở nơi có tình hình an ninh không ổn định. Ví dụ, biên giới phía nam của Thổ Nhĩ Kỳ là không an toàn".

Ngoài ra, việc mua vũ khí của Nga còn có một ý nghĩa khác, Ulrich Kuhn nói tiếp: “Thổ Nhĩ Kỳ có thể đảm bảo quyền truy cập vào công nghệ mới. Đội ngũ sĩ quan được đào tạo. Ankara có giấy phép, có thể, một ngày nào đó, có thể học cách sản xuất độc lập các thành phần của hệ thống phòng không”.

Điều gì thúc đẩy Ankara: Tính toán chính trị hay lợi ích kinh doanh?

Giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng việc mua lại S-400 chủ yếu là sự hấp dẫn thương mại từ đề xuất của Nga. Tổng thống Erdogan cho biết, Ankara sẽ đồng ý mua các tổ hợp Patriot của Mỹ chỉ khi Washington đưa ra các điều kiện tốt như Nga.

S-400 của Nga với mức giá 2,5 tỷ USD rẻ hơn nhiều so với phiên bản Patriot của Mỹ và được coi là hiện đại hơn và hiệu quả hơn. Nhưng đồng thời, việc mua vũ khí từ Nga không chỉ là một món hời. Mỹ và các quốc gia thành viên NATO khác lo ngại S-400 không tương thích về mặt công nghệ với các hệ thống mà liên minh đã triển khai ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Và thứ hai là Moscow có thể có quyền truy cập vào thông tin bí mật về F-35, vì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đồng thời sử dụng cả hệ thống phòng không của Nga và máy bay Mỹ.

Ankara đang trong tình trạng khó xử: nếu nhân nhượng với Mỹ, sẽ gây khó chịu nghiêm trọng cho Moscow. Điện Kremlin, giống như Mỹ, có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ như hồi năm 2015 - sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay ném bom Su-24 của Nga ở khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại