Theo Guardian ngày 25.7, ông Trump gọi đây là “giai đoạn mới” trong quan hệ thương mại cùng nhiều vấn đề khác giữa Mỹ với châu Âu, hai bên cần làm việc “để hướng tới mức thuế bằng 0, không lập hàng rào thuế quan và không trợ giá cho các sản phẩm công nghiệp không phải xe hơi”.
Khi đề nghị có cuộc đàm phán thương mại mới với EU, ông Trump nói: “Chúng tôi muốn củng cố quan hệ thương mại này, để có lợi cho tất cả các công dân Mỹ và châu Âu. Chúng tôi sẽ khởi động đàm phán lập tức, nhưng chúng tôi biết đấy là một quá trình dài”.
Đứng cạnh chủ nhân Nhà Trắng trong Vườn Hồng, ông Juncker nói châu Âu cũng sẽ trì hoãn việc dọa áp thuế cao lên hàng hóa Mỹ nhập khẩu để trả đũa. Ông khẳng định cuộc gặp này rất tốt đẹp, đầy tinh thần xây dựng.
Ông Trump và ông Juncker không cho biết chi tiết thỏa thuận thế nào, nhưng chủ nhân Nhà Trắng nói châu Âu đã đồng ý chi hàng tỉ USD để mua hàng hóa Mỹ xuất khẩu, trong đó có đậu nành của nông dân ở vùng trung tây nước Mỹ và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ.
EU cũng đồng ý làm việc cùng Mỹ sửa đổi các quy định thương mại quốc tế. Ông Trump nói: “Chúng tôi cũng sẽ làm việc để kéo giảm các rào cản, và tăng thương mại và dịch vụ, hóa chất, dược phẩm, sản phẩm y tế cùng đậu nành”.
Trong quá trình đàm phán, ông Trump sẽ tạm không thực hiện lời dọa tăng thuế đánh lên xe con châu Âu nhập khẩu vào Mỹ. Mỹ sẽ đàm phán về cách giải quyết vấn đề tăng mức thuế áp lên thép và nhôm của châu Âu, điều đã gây ra phản ứng của châu Âu, áp thuế cao lên hàng hóa Mỹ.
Chưa thể rõ hai bên sẽ đạt được tiến bộ nào về vấn đề nặng ký là Mỹ áp thuế lên xe hơi và hàng hóa châu Âu nhập khẩu vào Mỹ.
Ông Trump đã dọa áp mức thuế 25% lên xe con châu Âu nhập khẩu, một động thái sẽ tác động mạnh đến các hãng sản xuất xe hơi châu Âu, như BMW và Volkswagen, cùng với các hãng sản xuất xe hơi của Nhật Bản và Hàn Quốc. Châu Âu đã nói bóng gió khả năng áp mức thuế 20 tỉ USD lên hàng hóa Mỹ để trả đũa.
Mỹ và EU có mối quan hệ thương mại song phương trị giá 1 tỉ USD, cũng sẽ hợp tác làm việc để cải tổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và kết thúc các hoạt động thương mại không công bằng.
Trong khi Nhà Trắng không nêu chi tiết về thỏa thuận, cuộc họp báo chung được xem là sự kết thúc cuộc chiến thương mại Mỹ-Âu. Năm nay, ông Trump cùng nhiều nhà lãnh đạo châu Âu khẩu chiến, nhưng nay xem ra hai bên cố gắng tránh một cuộc chiến tranh thương mại rầm rộ giữa hai khối đồng minh và hai nền kinh tế lớn.
Chuyến thăm Washington của ông Juncker vào lúc quan hệ Mỹ-Âu căng thẳng, tiếp sau những lời công kích mà ông Trump nhắm vào các lãnh đạo Đức-Anh. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hồi đầu tháng 7, ông Trump mô tả EU là “kẻ thù”.
Tuy nhiên, các chuyên gia đề nghị cẩn trọng, khi các tuyên bố của hai ông Trump-Juncker được cho là sự đột phá sau nhiều tuần căng thẳng, chúng lại thiếu chi tiết, và vì ông Trump là người khó lường trước, sự giảm thiểu căng thẳng có thể bị phá vỡ khi bắt đầu các cuộc đàm phán mới.
Ông Bart Oosterveld, chủ nhiệm chương trình thương mại-kinh tế của tổ chức nghiên cứu Atlantic Council (ở Washington) nói: “Việc tránh một thảm họa không là một thành quả. Tôi cho rằng chúng ta chứng kiến sự nối lại cuộc đối thoại cơ bản. Các vấn đề riêng rẽ về LNG và đậu nành không có ý nghĩa lớn. Tôi không nghĩ EU sẽ đồng ý một cuộc xem xét lại kỹ vấn đề thương mại mà không đưa lên bàn đàm phán trước tiên về thép-nhôm”.
Ông Oosterveld nhắc lại những bất đồng gần đây giữa Mỹ với châu Âu (từ việc ông Trump rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 và Thỏa thuận chống thay đổi thời tiết Paris) để hoan nghênh sự hợp tác Mỹ-Âu: “Điều đáng kể là họ đồng ý tiếp tục đàm phán và cùng cách đối phó với những hoạt động thương mại của Trung Quốc. Nhưng những ai quan tâm về một trật tự dựa theo luật về thương mạ toàn cầu cũng chớ nên vội mừng”.
Mỹ cũng vẫn duy trì thế đứng bên miệng hố chiến tranh thương mại với Trung Quốc, và ông Trump chưa chấm dứt sự bất đồng giữa Mỹ với Mexico và Canada. Từ lâu ông đã phàn nàn về sự không bình đẳng trong quan hệ thương mại của châu Mỹ.
Ngày 25.4, ông Trump viết Twitter cáo buộc Trung Quốc “nham hiểm” và lại dọa trả đũa: “Trung Quốc tấn công nhà nông chúng ta, nhằm giành lợi thế của Mỹ. Họ nham hiểm nhưng toan tính của họ sẽ thất bại. Chúng ta đã tỏ ra dễ thương cho đến nay, và Trung Quốc chiếm đoạt 517 tỉ USD từ chúng ta hồi năm ngoái”.
Ngày 24.7, Nhà Trắng đã phải hứa một kế hoạch chi 12 tỉ USD để trợ giá cho nhà nông bị lãnh đòn tăng thuế mà Trung Quốc và EU áp để trả đũa Mỹ.