Hôm 15/7 vừa qua, khi được CBS News yêu cầu gọi tên "kẻ thù" lớn nhất nước Mỹ, cái tên đầu tiên mà Tổng thống Donald Trump thốt ra là "Liên minh châu Âu (EU)", nếu xét theo "những gì họ làm cho chúng ta trong vấn đề thương mại", tiếp theo là Nga và Trung Quốc .
Bằng cách tung ra các mức thuế cao ngất dành cho một loạt hàng nhập khẩu của Trung Quốc và EU, ông Trump đã mang lại cho Bắc Kinh và Brussels một sự khuyến khích chưa hề có lệ để làm việc cùng với nhau - như chúng ta đã thấy tại hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc bất thường vào ngày 16 tháng 7 vừa qua.
Tuy nhiên, thật không may cho Trung Quốc, sẽ cần phải có nhiều điều hơn nữa, chứ không chỉ là những gì ông Trump đã làm, để đẩy châu Âu hoàn toàn rơi vào "vòng tay" thương mại của Trung Quốc.
Vai trò của Trung Quốc trong phương trình trên là khá dễ dàng. EU đã là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Trung Quốc. Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào châu Âu đạt 12 tỷ USD trong nửa đầu năm 2018, trong khi đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ giảm 92% so với cùng kỳ, chỉ còn 2 tỷ USD.
Vì vậy, trong khi hội nghị thượng đỉnh năm ngoái thậm chí không thể cho ra một tuyên bố chung, thì năm nay cả Trung Quốc và EU đã đồng ý tăng cường quan hệ đối tác của họ - và thậm chí là còn bao gồm thêm cả một phụ lục riêng về các vấn đề khí hậu.
Trước đây, mối quan hệ này khá ảm đạm bởi những lo ngại của Châu Âu về sáng kiến "một vành đai, một con đường" của Trung Quốc, với một loạt các dự án cơ sở hạ tầng trên toàn thế giới nhằm thúc đẩy cả ảnh hưởng thương mại lẫn chính trị trên toàn cầu.
Các khoản vay cơ sở hạ tầng mang tính đòn bẩy cao của Trung Quốc đã khiến một số quốc gia ở châu Á và châu Phi bị nợ "ngập đầu" với Bắc Kinh, điều mà EU muốn tránh tại các nền kinh tế nhỏ hơn ở Trung và Đông Âu. Tuy vậy, giờ đây người Trung Quốc dường như đã đồng ý chơi theo các quy tắc và tiêu chuẩn của EU.
Và những chỉ trích liên tục của ông Trump nhắm vào Bắc Kinh về các hoạt động thương mại của họ, vì lợi ích của các nhà sản xuất Mỹ, đang tạo ra một cơ hội lớn cho người châu Âu.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực ô tô, Trung Quốc đã cam kết loại bỏ quyền sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực ô tô vào năm 2022, và thậm chí sớm hơn cho các loại xe điện và năng lượng mới khác.
Nhưng họ sẽ từ chối trao nhiều cơ hội trong số đó cho các công ty Mỹ, nếu ông Trump tiếp tục chiến lược thuế quan của mình, để cho các nhà sản xuất ô tô châu Âu được hưởng những ưu đãi đó.
Đó là một lời nhắc nhở mạnh mẽ dành cho ông Trump rằng các cuộc chiến thương mại thường có những hậu quả ngoài ý muốn - đặc biệt là khi họ đang "chiến đấu" trên nhiều mặt trận.
Dẫu vậy, sự thay đổi của EU vẫn trông giống một động thái chiến thuật hơn là một thay đổi chiến lược.
Một ngày sau hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc, khối liên minh này đã hoàn thành thỏa thuận thương mại lớn nhất từ trước tới nay với Nhật Bản - một thỏa thuận có ý nghĩa hơn nhiều đối với Brussels.
Và Brussels đang nỗ lực hết sức để hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào các lĩnh vực nhạy cảm, giống như Washington đã phá vỡ những nỗ lực của Bắc Kinh để đạt được sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực tiên tiến.
Trong thời gian này, đây là mối quan hệ mang lại sự thuận tiện cho cả hai bên. Brussels rõ ràng là quen với thực tế rằng cách tiếp cận thương mại của lãnh đạo Trung Quốc là cực kỳ "cơ hội" - và chắc chắn là họ sẽ giám sát chặt chẽ các khoản đầu tư ở Đông và Nam Âu để đảm bảo Trung Quốc không đang đặt bẫy nợ cho các thành viên nhỏ hơn của EU.
Tuy nhiên, hiện tại, "kẻ thù" nổi tiếng của ông Trump đang lên kế hoạch để thay đổi cuộc chiến thương mại - trong khi đếm ngược số ngày từ đây cho tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.