Mỹ và EU bước vào kỳ nghỉ lễ, “không quà Giáng sinh” cho Ukraine

Thu Hoài/VOV1 |

Cuộc xung đột kéo dài tại Ukraine và những căng thẳng mới bùng phát tại Trung Đông đã khiến giới chức Mỹ và châu Âu phải đánh giá lại các ưu tiên của mình.

Ukraine sẽ không thể nhận được viện trợ bổ sung của phương Tây trong năm nay khi các cuộc đàm phán về vấn đề này liên tục thất bại và phải dời sang năm sau.

Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer hôm qua (19/12) thừa nhận, Quốc hội Mỹ sẽ không thể phê duyệt viện trợ bổ sung cho Ukraine trong năm nay. Tuy nhiên, quan chức này cũng khẳng định, trong thời gian còn lại của năm, các nhà đàm phán của Thượng viện và chính quyền sẽ tiếp tục làm việc một cách thiện chí để hoàn tất thỏa thuận.

Mỹ và EU bước vào kỳ nghỉ lễ, “không quà Giáng sinh” cho Ukraine- Ảnh 1.

Lựu pháo tự hành Archer do Thụy Điển sản xuất thuộc lữ đoàn pháo binh 45 của Ukraine khai hỏa ở khu vực Donetsk. Ảnh: Reuters

Trước đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đề xuất gói viện trợ trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine nhưng vấp phải sự phản đối từ đảng Cộng hòa tại Quốc hội. Việc đảng Cộng hòa liên kết hỗ trợ quân sự dành cho Ukraine với an ninh biên giới đã đặt nhà lãnh đạo Mỹ trước lựa chọn khó khăn giữa một bên là một trong những vấn đề chính trị gây chia rẽ nhất trong nước là nhập cư và biên giới với một bên là những cuộc tranh luận gay gắt về chính sách đối ngoại. Nhà Trắng hôm qua cảnh báo, Mỹ sẽ cạn tiền viện trợ cho Ukraine vào cuối tháng này nếu các nguồn ngân quỹ bổ sung không được thông qua.

Tình huống tương tự cũng đang diễn ra tại Liên minh châu Âu. Cuộc họp thượng đỉnh cuối cùng trong năm của khối 27 nước thành viên hồi tuần trước cũng đã không thể thông qua được gói hỗ trợ tài chính trị giá 50 tỷ euro (54 tỷ USD) cho Ukraine và buộc phải dời các cuộc thảo luận sang năm sau. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đến thăm Washington hồi đầu tháng này và tăng cường ngoại giao cấp cao với Liên minh châu Âu nhằm hối thúc viện trợ, nhưng đều không thành công.

Trong nỗ lực trấn an Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhiều lần nhấn mạnh, việc cung cấp viện trợ cho Ukraine là một yêu cầu khẩn cấp:

“Các giá trị của Mỹ là điều giúp chúng ta trở thành đối tác mà các quốc gia khác đều mong muốn hợp tác. Tuy nhiên, điều này sẽ bị thử thách nếu chúng ta rời khỏi Ukraine và quay lưng lại với Israel. Hỗ trợ các đối tác quan trọng, bao gồm Israel và Ukraine là một khoản đầu tư thông minh sẽ mang lại lợi ích cho an ninh Mỹ trong nhiều thế hệ”.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tin tưởng có thể thực hiện lời hứa với Ukraine: "Tôi muốn nhắc lại một lần nữa rằng tôi cực kỳ tin tưởng và lạc quan chúng ta có thể thực hiện được lời hứa hỗ trợ Ukraine bằng các phương tiện tài chính. Trong những tuần tới, tôi tin điều đó sẽ sớm được chính thức hóa”.

Nếu như Liên minh châu Âu dẫn dầu về hỗ trợ kinh tế cho Ukraine, thì Mỹ lại dẫn trước về mặt hỗ trợ quân sự. Tuy nhiên, nguy cơ về một cuộc chiến kéo dài và những căng thẳng mới bùng phát tại Trung Đông đã khiến giới chức Mỹ và châu Âu phải tính đến những rủi ro và đánh giá lại các ưu tiên của mình. Theo Viện Kinh tế thế giới Kiel, cam kết viện trợ mới cho Ukraine từ tháng 8 đến tháng 10 năm nay đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022. Trong số 42 quốc gia tài trợ được theo dõi, chỉ có 20 quốc gia cam kết các gói viện trợ mới trong khoảng thời gian đó - giảm gần 90% so với thời gian đầu xung đột nổ ra. Hầu hết các quốc gia phương Tây đều khẳng định quyết tâm của họ không hề suy giảm. Tuy nhiên, một số nước cũng đang phải vật lộn để phù hợp với quy mô hỗ trợ quân sự trước đó khi các kho dự trữ đang dần cạn kiệt.

Israel và Mỹ phát hiện 'danh mục đầu tư bí mật' 500 triệu USD của Hamas từ năm 2018, tại sao không hành động?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại