Canh bạc lớn của Mỹ
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer ngày 25/3, trong một bình luận gần đây cho rằng, có những quan chức cấp cao ở Trung Quốc ủng hộ cải cách.
Vấn đề là, các quan chức và giám đốc điều hành của Mỹ đã nghe những lời hứa tương tự của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ. Trong khi Trung Quốc từ lâu đã mở cửa thị trường cho hàng hóa nước ngoài và đầu tư dưới danh nghĩa cải cách, thì nước này vẫn xem việc củng cố sự kiểm soát nhà nước đối với các ngành công nghiệp chính là chính sách xuyên suốt.
Điều đó đặc biệt đúng kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012. Nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc sau thời Chủ tịch Mao Trạch Đông tiếp tục củng cố quyền kiểm soát đối với các doanh nghiệp nhà nước và các lĩnh vực công nghệ chiến lược.
"Trong chính quyền Bắc Kinh đến nay, phe diều hâu đã chiếm ưu thế. Vì vậy, đây là một canh bạc táo bạo của Mỹ khi cố gắng đặt cược vào những nhà cải cách Trung Quốc", ông Michael Pillsbury, một thành viên cao cấp tại Viện Hudson ở Washington và một cố vấn của Trump được biết đến quan điểm chỉ trích Trung Quốc cho hay.
Chiến thuật của Trung Quốc?
Đại diện thương mại Mỹ Lighthizer đã không đưa ra tên cho những người mà ông xếp trong số các nhà cải cách Trung Quốc. Nhưng ngoài ông Lưu Hạc, người đứng đầu đoàn đàm phán của Trung Quốc với Mỹ, các nhân vật được coi là những nhà cải cách kinh tế bao gồm Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Dịch Cương, người hỗ trợ sửa đổi quy định tài chính của Trung Quốc, và Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn, người bảo vệ toàn cầu hóa và chủ nghĩa đa phương trong năm nay tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ.
Trong nhiều thập kỷ, Washignton đã xây dựng mối quan hệ với những nhà cải cách như vậy nhưng đều dẫn đến một điểm chung là sự thất vọng. Điều đó đã khiến một số người Mỹ cho rằng, các nhà đàm phán thương mại ở Bắc Kinh cố tình miêu tả họ là những nhà cải cách để khiến Mỹ nới lỏng các yêu cầu của mình.
Trung Quốc đã thành công trong việc thuyết phục các nhà đàm phán Mỹ giảm bớt yêu cầu và áp lực. Đây là một trong những công cụ hiệu quả nhất trong một loạt công cụ đàm phán của Trung Quốc, ông James McGregor, thuộc công ty tư vấn APCO Worldwide bình luận.
Một phần của vấn đề có thể là sự khác nhau giữa 2 nước về quan niệm cải cách. Trong bài phát biểu dài 80 phút kỷ niệm 40 năm cải cách và mở cửa của nhà cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, ông Tập Cận Bình không hề đưa ra chính sách mới nào có thể xoa dịu những lo ngại của nhà đầu tư về tiếp cận thị trường hoặc nền kinh tế đang chậm lại. Thay vào đó, ông tái khẳng định sự lãnh đạo của Đảng và theo đuổi sáng chế nội địa trong các lĩnh vực công nghệ cốt lõi.
Cải cách của trong bối cảnh Trung Quốc chỉ đơn giản là thay đổi để hướng tới một kết quả mong muốn, Jude Blanchette, Tập đoàn Crumpton ở Arlington, Virginia nhận định.
Trong khi đó, đối với Mỹ, các cải cách là những thay đổi cụ thể và có thể thi hành nhằm đưa các chính sách của Trung Quốc phù hợp với các nền kinh tế phát triển khác. Trong các cuộc đàm phán hiện tại, chính quyền Tổng thống Trump đang yêu cầu các cam kết bảo vệ sở hữu trí tuệ, cho phép tiếp cận thị trường bình đẳng và ngăn chặn sự mất giá của đồng Nhân dân tệ.
"Thực tế là một số tiếng nói cải cách hiện tại có ý nghĩa. Tuy nhiên, liệu điều này có khiến chính sách thay đổi thậm chí chỉ là một chút không? Chắc chắn là không như vậy", Leland Miller, giám đốc điều hành của China Beige Book, một công ty tư vấn kinh tế cho biết.