Trung Quốc đang thăm dò phát hành tiền số của riêng mình. Ảnh: Global Times
Trung Quốc là cái tên mới nhất gia nhập danh sách những nước cấm tiền số, trái một số nước xem tiền số Bitcoin là hợp pháp, như El Salvador. Còn tại Mỹ, người dân được phép giao dịch bằng tiền số song nhà chức trách đang theo dõi sát hoạt động này.
Việc hiểu được cuộc chiến đa chiều nhằm kiểm soát thị trường này sẽ là chìa khóa cho hàng triệu nhà đầu tư hy vọng kiếm tiền từ cơn sốt tiền số.
Cuộc chiến này được dự báo sẽ tác động đến hệ thống tài chính toàn cầu, nơi mỗi ngày đều đầy ắp tin tức về các sản phẩm liên quan đến tiền số. Nói rộng hơn, cuộc chiến trên cũng sẽ ảnh hưởng đến cuộc thảo luận về nhiều vấn đề văn hóa - xã hội khác, từ biến đổi khí hậu đến bất bình đẳng, từ thương mại đến tiền giấy.
Đáng chú ý, nỗ lực giám sát thị trường tiền số của Mỹ và Trung Quốc có thể gây ra tác động sâu rộng nhất.
Ông Matt Hougan, Giám đốc đầu tư tại Công ty Bitwise Asset Management, nhận định với trang Bloomberg: “Quy mô thị trường tiền số đã trở nên quá lớn đến nỗi không thể bỏ qua...Ngày nay, đó là một ngành công nghiệp trị giá 2.000 tỉ USD và mọi ngân hàng lớn ở Phố Wall đang giúp các nhà đầu tư tiếp cận với nó".
Vào tuần rồi, Trung Quốc khiến các thị trường tài chính rúng động sau khi thông báo rằng mọi giao dịch liên quan đến tiền số sẽ bị coi là bất hợp pháp. Dù vậy, thực tế cho thấy Trung Quốc là một trong 81 quốc gia đang thăm dò phát hành tiền số của riêng mình. Danh sách này khởi đầu gồm những nước sớm chấp nhận tiền số như Venezuela và Estonia và hiện có thêm cả các quốc gia lớn hơn, trong đó có Mỹ.
Nền dân số 1,4 tỉ của Trung Quốc có thể sẽ mang lại lợi thế khi họ bắt đầu triển khai nhân dân tệ phiên bản số trên quy mô toàn cầu tại Thế vận hội mùa Đông ở Bắc Kinh năm 2022. Viễn cảnh này khiến một số chính trị gia Mỹ muốn cấm vận động viên nước này sử dụng đồng tiền số này khi đến Bắc Kinh năm sau.
"Trung Quốc rõ ràng là muốn quảng bá đồng nhân dân tệ số và quan tâm đến sự cạnh tranh" - ông Nicolas Christin, chuyên gia tại Trường ĐH Carnegie Mellon (Mỹ), nhận định. Bắc Kinh cho biết 10 cơ quan quản lý, trong đó có Ngân hàng Trung ương, sẽ phối hợp cùng nhau để theo dõi hoạt động liên quan đến tiền số.
Theo ông Hougan, các chính phủ muốn kiểm soát tiền số vì hai lý do. Trước hết, họ muốn hạn chế hoạt động khai thác tiền số - vốn tiêu tốn năng lượng vào quá trình tạo lập tiền số và xác minh giao dịch. Quan trọng hơn, họ muốn giám sát các giao dịch tiền tệ, đồng thời loại bỏ bất kỳ thách thức nào đối với tiền số “cây nhà lá vườn”.
Tại Mỹ, cách tiếp cận của chính phủ có điểm khác biệt với mục đích là tránh để xảy ra sự cố. Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ (SEC) Gary Gensler đang phát đi tín hiệu sẽ thực hiện chế độ giám sát mạnh mẽ đối với ngành công nghiệp này.
Sự thận trọng của các cơ quan quản lý là điều dễ hiểu. Các nhóm tội phạm đã chiếm hàng tỉ USD trong các vụ lừa đảo liên quan đến tiền số.
James Seyffart, một nhà phân tích của Công ty Bloomberg Intelligence, cho biết: “Chính phủ Mỹ lo lắng về chuyện bảo vệ người tiêu dùng. Chính phủ Mỹ thường không cấm công nghệ mới, họ thường đón nhận sự đổi mới sáng tạo"
Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers nói rằng thay vì phản đối việc quản lý, ngành công nghiệp tiền số nên chấp nhận vì lợi ích của chính mình. Việc ngành công nghiệp này mong đợi hoạt động trong bí mật mà không có sự giám sát của chính phủ là phi thực tế.