Ban đầu, Quad dự định chỉ thúc đẩy dần dần kế hoạch trên khi bị hạn chế bởi những chia rẽ bên trong. Đặc biệt, Ấn Độ thường hành động như một bên cố gắng "hãm phanh" những kế hoạch tham vọng hơn nữa của nhóm này. Tuy nhiên, hiện nay, Ấn Độ đã trở nên ngày càng quyết đoán trước Trung Quốc, do đó sự kìm hãm này đã phần nào yếu đi. Các nhà lãnh đạo Quad cũng có thể tự do đưa ra các quyết định hơn.
Thỏa thuận an ninh AUKUS gần đây giữa Mỹ, Australia và Anh đã khiến câu hỏi trên về định hướng của Quad ngày càng được nhấn mạnh hơn. AUKUS đã cho thấy Mỹ và các đối tác có thể phát triển những thỏa thuận an ninh khu vực mới táo bạo như thế nào. AUKUS cũng làm dấy lên những phản ứng mạnh mẽ bởi quy mô và ý nghĩa thực sự của nó trong việc thúc đẩy sự cân bằng quyền lực mới ở Thái Bình Dương. Trong một khu vực mà các liên minh dường như khá lỏng lẻo, đặc biệt dưới thời cựu Tổng thống Trump, AUKUS đánh dấu cho thái độ quyết tâm của Mỹ. Đây là một cam kết kéo dài hàng thập kỷ khi Mỹ và Anh sẽ chuyển giao một số công nghệ nhạy cảm nhất của họ.
Tuy nhiên, thực tế này không làm giảm đi tình thế khó xử thứ hai mà Washington đang đối mặt, đó là làm cách nào để kiểm soát các liên minh khu vực mới đang dịch chuyển, vốn là trung tâm trong cuộc cạnh tranh địa chính trị với Bắc Kinh nếu Mỹ lựa chọn thúc đẩy quá trình này mạnh mẽ hơn?
Vào những tháng đầu trở thành Tổng thống, ông Biden dường như chưa quyết liệt trong việc cạnh tranh với Trung Quốc. Những chuyến công du khu vực của Mỹ chỉ đạt được những kết quả khiêm tốn. Chiến lược của Quad dù dịch chuyển dần nhưng cũng đã khá trễ và hầu như không tạo ra những tiến triển nổi bật.
Tuy nhiên, hậu AUKUS, tốc độ thực hiện tiềm năng của chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ dường như đã có những khác biệt. Thỏa thuận này có ý nghĩa quan trọng không chỉ bởi số tàu ngầm hạt nhân được chuyển giao cho Australia. Tín hiệu quyết tâm mà nó gửi đi cũng như sự hợp tác quân sự mà nó mang tới trong những lĩnh vực liên quan đến công nghệ cũng rất đáng kể.
"Đây có lẽ là sự hợp tác về khả năng đáng kể nhất trên thế giới trong 6 thập kỷ qua", Stephen Lovegrove, Cố vấn An ninh Quốc gia Anh đánh giá.
Trong Quad, cả Ấn Độ và Nhật Bản đều hoan nghênh thỏa thuận này, làm dấy lên những câu hỏi về việc liệu những nước này có tìm cách thắt chặt hợp tác quân sự với Mỹ hay không hoặc liệu Quad hiện nay có đi tới việc thừa nhận những quốc gia như Anh là thành viên hay không. Thậm chí nếu điều đó không xảy ra thì nhóm Bộ Tứ cũng đang đứng trước nhiều lựa chọn.
Một khía cạnh liên quan đến sự hợp tác quân sự chặt chẽ hơn là vấn đề hậu cần. Điều này sẽ hình thành cái gọi là răn đe tích hợp mà Lầu Năm Góc thúc đẩy và được chính Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin sử dụng để đánh giá AUKUS. Một vấn đề nữa liên quan đến việc mở rộng trọng tâm của Quad là việc xây dựng khả năng trong những lĩnh vực như ngoại giao vaccine, cơ sở hạ tầng, giảm nhẹ thiên tai hoặc hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu.
Công nghệ cũng là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng. Quad đã có kế hoạch bảo vệ nguồn cung ứng chất bán dẫn và các công nghệ khác trước những lo ngại liên quan đến vấn đề Đài Loan (Trung Quốc). Nhiều sự hợp tác về công nghệ trong tương lai cũng có thể diễn ra. Quad có thể sẽ ủng hộ các kế hoạch mới của Mỹ nhằm cản trở Trung Quốc tiếp cận các chất bán dẫn tiên tiến, chia sẻ công nghệ quân sự hay đồng phát triển các công nghệ mới.
Môi trường an ninh mới ở châu Á
Nhìn rộng ra, AUKUS và Quad đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của môi trường an ninh châu Á đa tốc độ mới với nhiều nhóm tiểu đa phương và đa phương chồng chéo với nhau, tất cả đều liên quan đến Mỹ, khi nước này tìm cách kiềm chế Trung Quốc.
Ở cấp độ đầu tiên, việc này liên quan đến sự tái cấu trúc các mối quan hệ an ninh truyền thống với Mỹ. Liên minh giữa Mỹ và Nhật Bản thường được so sánh như sự kết hợp giữa "thanh gươm" Mỹ và "chiếc khiên" Nhật Bản. Dù vậy, hiện nay, các đồng minh của Mỹ, giống như Australia, đều muốn mài dũa "thanh gươm" của mình sắc bén hơn.
Phát triển một hệ thống mới gồm các thỏa thuận liên quan đến nhau là một phần trong kế hoạch khu vực của Mỹ.
"Thay vì hình thành một liên minh lớn tập trung vào từng vấn đề, Mỹ sẽ theo đuổi các nhóm nhỏ được hình thành khi có nhu cầu", Kurt Campbell, quan chức điều phối khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nhận định hồi đầu năm nay.
Tuy nhiên, nhiệm vụ quản lý và phát triển các tổ chức này rất phức tạp. Chỉ riêng phản ứng dữ dội của Pháp đã là lời cảnh báo cho thấy thách thức to lớn của việc duy trì một liên minh rộng khắp. Ngay trong việc duy trì mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, Mỹ cũng đối mặt với không ít vấn đề trước những dư chấn từ việc rút quân khỏi Afghanistan và sau khi thông báo về AUKUS.
Thay vì nói là một chiến thắng, AUKUS nên được xem xét như một sự phản chiếu nghiêm túc chiến lược của Mỹ. Thỏa thuận này đã cho thấy sự mới mẻ về ý tưởng và cách thức Mỹ tổ chức các mối liên kết với các đối tác và đồng minh. Tuy nhiên, nó cũng nhấn mạnh một thách thức to lớn mà sự trỗi dậy của Trung Quốc tiếp tục tạo ra với Mỹ và đồng minh khi các nước này cùng lúc vừa cạnh tranh với Trung Quốc vừa duy trì việc cân bằng giữa những lợi ích chung và riêng trong liên minh./.