Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa hôm 18-11 kêu gọi Mỹ ngừng phô trương sức mạnh trên biển Đông và ngừng làm gia tăng bất ổn vì vấn đề Đài Loan.
Tại cuộc gặp bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM+) ở Thái Lan, ông Ngụy Phượng Hòa còn kêu ông Mark Esper "không khiêu khích và không làm gia tăng căng thẳng trên biển Đông" - phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm nói với giới truyền thông về nội dung cuộc gặp kín này.
Khi được hỏi về các yêu cầu cụ thể của ông Ngụy đối với người đồng cấp Mỹ và liệu chúng có bao gồm yêu cầu chấm dứt chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải hay không, ông Ngô cho biết: "Chúng tôi kêu gọi Mỹ ngừng can thiệp và ngừng khiêu khích quân sự trên biển Đông". Trong khi đó, theo tuyên bố của Lầu Năm Góc, ông Esper đã nhấn mạnh tại cuộc gặp ông Ngụy rằng tàu và máy bay Mỹ sẽ hoạt động tại bất kỳ nơi nào cho phép.
Cuộc gặp trên diễn ra một ngày sau khi Bộ trưởng Esper công khai cáo buộc Bắc Kinh "tăng cường sử dụng các hành động cưỡng ép và dọa nạt" để đạt được mục tiêu chiến lược trên biển Đông.
"Những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông, điển hình là "đường chín đoạn" phi pháp, không chỉ trái pháp luật và phi lý, mà còn đi ngược lại phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực UNCLOS ở Hague (Hà Lan) hồi tháng 7-2016" - ông chủ Lầu Năm Góc khẳng định tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN - Mỹ trong khuôn khổ của ADMM+.
Cáo buộc Trung Quốc "tăng cường sử dụng tàu dân quân biển" để xua đuổi thủy thủ và ngư dân các nước Philippines, Indonesia, Malaysia và Việt Nam, cũng như triển khai lực lượng cảnh sát biển để ngăn Việt Nam "khai thác dầu khí tự nhiên ở ngoài khơi bờ biển của họ", ông Esper tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục triển khai máy bay và tàu chiến "đến bất cứ nơi đâu luật pháp quốc tế cho phép" để chống lại hành vi cưỡng ép và dọa nạt.
Ngoài ra, ông chủ Lầu Năm Góc còn kêu gọi các nước ASEAN không để Trung Quốc thao túng Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) đang được đàm phán nhằm "hợp pháp hóa hành vi sai phạm nghiêm trọng và các tuyên bố hàng hải phi pháp của nước này, cũng như nhằm lẩn tránh các cam kết" mà họ đã nhất trí. Nếu để điều đó xảy ra, theo ông Esper, COC sẽ "phản tác dụng và gây nguy hiểm cho mọi quốc gia tôn trọng các quyền tự do được quy định trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)".
Trong lúc chỉ trích Washington phô diễn sức mạnh và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, Bắc Kinh hôm 18-11 lại thông báo triển khai một nhóm tác chiến tàu sân bay đến biển Đông để "thử nghiệm khoa học và diễn tập theo lịch trình".
Trước đó, hôm 17-11, nhóm tác chiến tàu sân bay này đã đi qua eo biển Đài Loan trong động thái bị chính quyền Đài Loan chỉ trích là "hăm dọa".
ADMM+: Tôn trọng luật pháp quốc tế, bảo đảm hòa bình, an ninh khu vực
Theo TTXVN, ADMM+ lần thứ 6 với chủ đề "An ninh bền vững" đã diễn ra vào ngày 18-11 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan.
Phát biểu tại hội nghị, Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam - nêu rõ những căng thẳng vừa qua trên biển Đông đã cho thấy một khi luật pháp quốc tế không được tôn trọng thì an ninh, ổn định khu vực nói chung và trên biển nói riêng sẽ bị đe dọa.
Chủ trương nhất quán của Việt Nam là giải quyết vấn đề biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế; các bên tôn trọng lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhau được quy định trong UNCLOS 1982, tránh có những hành động làm phức tạp tình hình, căng thẳng leo thang. Việt Nam tích cực cùng với ASEAN và Trung Quốc xây dựng COC thực chất và hiệu quả.
Hội nghị ADMM+ lần thứ 6 đã ra thông cáo chung, trong đó các bộ trưởng tái khẳng định cam kết hướng đến hòa bình, ổn định và an ninh của khu vực thông qua việc tôn trọng các nguyên tắc luật pháp quốc tế được thừa nhận rộng rãi, đẩy mạnh hợp tác, tương tác với các đối tác tiềm năng cũng như ứng phó trên tinh thần tập thể, mang tính xây dựng đối với những diễn biến toàn cầu, các vấn đề an ninh dựa trên quan hệ hữu nghị và cùng có lợi.