Mỹ trồng 1 tỉ cây xanh ở các khu rừng bị cháy

HOÀI NHÂN |

Hôm 25-7, chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ sẽ trồng hơn 1 tỉ cây xanh trên các khu rừng bị cháy ở miền Tây, nhằm đối phó với các tác động của biến đổi khí hậu.

Mỹ trồng 1 tỉ cây xanh ở các khu rừng bị cháy - Ảnh 1.

Một sườn đồi bị cháy ở bang California - Ảnh: AP

Theo Hãng tin AP, trong những năm gần đây, các đợt cháy rừng lớn tại Mỹ đã khiến hàng triệu cây xanh bị tàn phá nặng nề và khó có khả năng phục hồi tự nhiên.

Theo ước tính, sẽ mất hàng thập kỷ để các cây xanh có thể phục hồi một cách tự nhiên.

Bộ trưởng nông nghiệp Mỹ, ông Tom Vilsack cho biết sự biến mất của rừng có thể khiến kinh tế nông nghiệp và các vùng nông thôn tại đây bị đe dọa trực tiếp.

Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ khẳng định sẽ tăng gấp bốn lần số lượng cây giống cho các nhà vườn nhằm phủ xanh 1,7 triệu hecta rừng và giải quyết vấn đề nắng nóng do biến đổi khí hậu gây ra.

Ông David Lytle, giám đốc quản lý rừng thuộc Cục Kiểm lâm Mỹ, cho biết cơ quan này sẽ mở rộng quy mô phủ xanh rừng hằng năm từ 24.000ha lên 162.000ha.

Việc phủ xanh chủ yếu được thực hiện ở các bang phía tây, nơi cháy rừng có xu hướng diễn ra quanh năm và cấp bách nhất.

Cục Kiểm lâm Mỹ đã chi hơn 100 triệu USD/năm cho công tác trồng lại rừng và dự kiến tăng kinh phí lên 260 triệu USD/năm.

Vào năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật trồng 1,2 tỉ cây xanh trong thập kỷ tới nhằm giúp giảm thiểu nắng nóng do biến đổi khí hậu gây ra.

Tuy vậy, dự luật này ở thời điểm đó đã bị chỉ trích là thiếu tính hiệu quả để giải vấn đề cháy rừng, khi không ưu tiên phủ xanh những cánh rừng thưa thớt do đám cháy gây ra.

Giải thích cho điều này, ông Joe Fargione, giám đốc khu vực Bắc Mỹ của tổ chức Nature Conservancy, cho biết một số nơi khí hậu đã thay đổi đến mức khiến xác suất tái sinh cây thành công là khá thấp. Chính vì vậy, quá trình phủ xanh cũng sẽ cần được nghiên cứu kỹ trước khi trồng.

Trước mắt, việc phủ xanh các cánh rừng sẽ là thách thức lớn khi nhiều cây con sẽ chết trước khi trưởng thành do hạn hán, côn trùng và cả biến đổi khí hậu tác động.

Bên cạnh đó, việc thiếu hụt hạt giống và nhân công cũng đang là những khó khăn cần được giải quyết, ông Fargione chia sẻ thêm.

Hiện chính quyền Mỹ cũng đang xem xét liệu có nên ban bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu hay không để tiến hành các hành động mạnh mẽ hơn cho việc phục hồi rừng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại