Theo các nhà khoa học tham gia dự án, Bắc Kinh có thể mở rộng hệ thống phòng thủ hành tinh mà họ đang xây dựng ở Trung Quốc lên Mặt Trăng và xa hơn nữa để bảo vệ Trái Đất khỏi các cuộc tấn công của tiểu hành tinh có khả năng quét sạch một thành phố hoặc nền văn minh của con người.
Wu Weiren, nhà thiết kế chính của Chương trình thám hiểm Mặt trăng Trung Quốc, cho biết kế hoạch mới bao gồm việc đưa ba vệ tinh giám hộ mang theo nhiều nhiên liệu và vũ khí động năng vào quỹ đạo của Mặt Trăng quanh Trái Đất.
Hai kính viễn vọng quang học sẽ được xây dựng trên các cực nam và bắc của Mặt Trăng để quan sát bầu trời xem có xuất hiện bất kỳ mối đe dọa nào lọt qua mạng lưới cảnh báo sớm trên mặt đất hay không, đặc biệt là những vật thể tiếp cận từ phía điểm mù đối diện với Mặt Trời.
Trung Quốc đang phát triển một tên lửa thế hệ mới nhằm hiện thực hóa tham vọng đưa phi hành đoàn đổ bộ lên Mặt Trăng trong tương lai.
Theo kế hoạch, khi hệ thống phát hiện một "vị khách không mời" có khả năng gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với hành tinh của chúng ta, nó sẽ gửi một hoặc tất cả các vệ tinh giám hộ lại gần để ngăn chặn những "vị khách không mời" đó với thời gian nhanh nhất có thể - nhanh hơn bất kỳ tên lửa lớn nào phóng từ Trái Đất.
Wu và các đồng nghiệp cho biết: "Hệ thống phòng thủ này có khả năng đánh chặn các tiểu hành tinh bay tới từ mọi hướng và có thể tạo thành một vòng tròn phòng thủ với đường kính khoảng 800.000km".
Các nhà nghiên cứu cho biết, tuyến phòng thủ Mặt Trăng trên thực tế vẫn chưa được chính phủ Trung Quốc phê duyệt việc sẽ đưa công nghệ vũ trụ của Trung Quốc tích hợp vào đó - chẳng hạn như khả năng giám sát tầm xa, nhạy cảm và tốc độ cực cao...
Tuy nhiên, Trung Quốc đang xây dựng một hệ thống phòng thủ trên Trái Đất bao gồm các radar và kính thiên văn khổng lồ trong nỗ lực dự báo và đối phó với một sự kiện tuyệt chủng tương tự như sự kiện đã xóa sổ loài khủng long cách đây khoảng 65 triệu năm.
Theo ước tính của các nhà vật lý thiên văn, mặc dù khả năng xảy ra tác động ở mức độ tuyệt chủng vẫn thấp, tuy nhiên khoảng 60% tiểu hành tinh đủ lớn để hủy diệt một quốc gia đã không được con người ghi lại và theo dõi.
Việc phát triển tên lửa thế hệ mới đang trong giai đoạn "giải quyết công nghệ then chốt" và nếu đạt được "13 bước đột phá quan trọng", Trung Quốc có thể thực hiện cuộc đổ bộ có phi hành đoàn đầu tiên của họ lên Mặt Trăng vào năm 2030. Đó sẽ là nền tảng để nước này khám phá không gian sâu, điều tra khoa học và sử dụng tài nguyên không gian.
Nhóm nghiên cứu của Wu cho biết: Những tiểu hành tinh này đều đến từ hướng của Mặt Trời. Ánh sáng chói của Mặt Trời khiến việc phát hiện bằng kính thiên văn quang học gần như không thể.
Wu và các đồng nghiệp của ông cho biết họ đã tính toán rằng góc nhìn của kính thiên văn Mặt Trăng sẽ gần như hoàn hảo và có thể bao phủ toàn bộ điểm mù trên Trái Đất.
Việc xây dựng một cơ sở như vậy trên bề mặt của Mặt Trăng sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền và tài nguyên. Theo nhóm nghiên cứu của Wu, Trung Quốc có thể sẽ mời các quốc gia khác hợp tác xây dựng các đài quan sát như một phần của Trạm Nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế.
Nhưng trước khi giai đoạn đó được bắt đầu, Trung Quốc sẽ phóng vệ tinh lên quỹ đạo của Mặt Trăng để thử nghiệm các công nghệ giám sát, theo dõi và đánh chặn mới nhất.
Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng những vệ tinh này có thể giúp bảo vệ an ninh quốc gia của Trung Quốc bằng cách đặt các kính viễn vọng và cảm biến hướng về Trái Đất.
Các vệ tinh bảo vệ Trái Đất có thể giúp Trung Quốc theo dõi sát sao các vệ tinh của các nước khác "và cải thiện khả năng bảo vệ các tài sản không gian có giá trị cao".
Đồng hồ nguyên tử siêu chính xác trên các vệ tinh mới này có thể giúp cải thiện hiệu suất và độ chính xác của hệ thống định vị vệ tinh BeiDou, phiên bản GPS của Trung Quốc, họ nói thêm.
Trong Hệ Mặt Trời, Mặt Trăng là vệ tinh tự nhiên lớn thứ năm. Nếu xét về tỷ lệ kích thước so với hành tinh mà nó quay quanh thì Mặt Trăng đạt tỷ lệ này cao nhất trong Hệ Mặt Trời. Mặt Trăng hình thành khoảng hơn 4,5 tỷ năm trước.
Đa số các giả thuyết từ sớm về nguồn gốc hình thành Mặt Trăng theo một trong ba ý tưởng chính. Ý tưởng thứ nhất cho rằng vật chất văng ra từ Trái Đất trong thời kỳ đang hình thành bởi lực ly tâm, sau đó tập hợp lại thành Mặt Trăng. Tuy nhiên điều này đòi hỏi Trái Đất phải quay nhanh đến mức phi thực tế.
Ý tưởng thứ hai giả định trường hấp dẫn của Trái Đất đã thu hút thiên thể Mặt Trăng đến từ nơi khác, nhưng việc này đòi hỏi khí quyển Trái Đất hấp thụ động năng của Mặt Trăng khi nó bay tới - một khả năng rất khó xảy ra.
Ý tưởng thứ ba đề xuất sự hình thành cùng lúc của Trái Đất và Mặt Trăng từ đĩa bồi tụ khi Hệ Mặt Trời đang hình thành. Tuy nhiên ý kiến này lại không giải thích được tại sao Mặt Trăng lại có các tính chất khác với Trái Đất, ví dụ như ít kim loại hơn hẳn so với Trái Đất.
Tham khảo: SCMP