Mỹ - Triều Tiên hòa giải: Đừng quá bi quan nhưng không loại trừ kịch bản xấu!

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Nếu nhìn vào thực chất của mọi diễn biến thì thực trạng mối quan hệ song phương Mỹ - Triều Tiên không quá bi quan như nhiều nhận định.

Quan hệ Mỹ-Triều Tiên

Những diễn biến mới đây nhất trong mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên khiến cho trên thế giới có không ít ý kiến cho rằng cái hào khí của sự khởi đầu mới và cuộc khởi hành mới cho mối quan hệ song phương này có được nhờ cuộc thượng đỉnh đầu tiên trong lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên ở Singapore ngày 12.6 vừa qua đã nguội lắng.

Hai bên có những biểu hiện thái độ không hài lòng về nhau. Tổng thống Mỹ Donald Trump không cho Ngoại trưởng nước này Mike Pompeo công du Triều Tiên lần thứ ba.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết phía Mỹ có thể lại tiến hành tập trận chung với Hàn Quốc như ờ thời trước cuộc thượng đỉnh lịch sử kia.

Quá trình hoà giải giữa hai nước dường như đang bị chững lại và có nguy cơ bị đảo ngược. Lại thấy rộ lên những tiếng nói cho rằng phía Mỹ đã bị phía Triều Tiên "gài bẫy" và "lừa" với cuộc thượng đỉnh và với chuyện hoà giải.

Họ nhấn mạnh việc Triều Tiên cam kết "phi hạt nhân hoá" nhưng trong thực chất chưa chuyển động gì nhiều mà thậm chí vẫn còn tiếp tục chương trình hạt nhân. Cả các cơ quan tình báo, an ninh và mật vụ của Mỹ cũng cho là như vậy.

Nhìn vào biểu hiện bề ngoài thì những ý kiến và đánh giá nói trên không phải không có cơ sở. Từ sau sự kiện ở Singapore chưa thấy có được bước tiến đáng kể nào trên phương diện "phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên".

Mỹ - Triều Tiên hòa giải: Đừng quá bi quan nhưng không loại trừ kịch bản xấu! - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singpore. Ảnh: AP

Mỹ và Triều Tiên chưa cùng nhau xác định ra được lộ trình cụ thể về nội dung cũng như thời gian cho các bước đi tiếp theo trong quá trình hoà bình và hoà giải.

Không đạt được kết quả cụ thể và tích cực thì lòng tin lẫn nhau rất khó được gây dựng và củng cố, thiện chí hoà bình và hoà giải khó được duy trì, toàn bộ tiến trình khó có thể nhanh chóng có được tính ổn định và bền vững đủ mức để nó không bị đảo ngược.

Tiếp xúc và đối thoại trực tiếp không được duy trì, khẩu chiến lại bùng phát và tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc được khôi phục thì phía trước dễ sẽ là quá khứ và khó là tương lai của mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên.

Kỳ vọng và sóng gió

Nhưng nếu nhìn vào thực chất của mọi diễn biến thì thực trạng mối quan hệ song phương này không hẳn hoàn toàn như thế.

Thù địch quá sâu và quá lâu giữa Mỹ và Triều Tiên, các vấn đề cần giải quyết đều rất nan giải, nhạy cảm và tương tác lẫn nhau, lại còn liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp đến một số đối tác khác nữa cũng như bị chi phối rất nặng bởi chính trị đối nội ở cả hai bên nên sẽ chỉ là ảo tưởng khi cho rằng và mong đợi rằng một cuộc thượng đỉnh giải quyết được ổn thoả hết mọi vấn đề và mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ chuyển đổi nhanh chóng.

Mỹ - Triều Tiên hòa giải: Đừng quá bi quan nhưng không loại trừ kịch bản xấu! - Ảnh 2.

Nhận thức một cách khách quan và tỉnh táo sẽ thấy hai bên sẽ phải và còn phải thăm dò và dền dứ nhau, thử nhau và thận trọng. Hiện chưa phải lúc và đến thời hai bên cùng đưa ra những nhượng bộ quyết định nhất cho nhau.

Thiên hạ thất vọng bởi kỳ vọng nhiều từ sau cuộc thượng đỉnh ở Singapore nên nhiều khi không đánh giá được đúng và đầy đủ ý nghĩa quan trọng và tác động tích cực của việc giữa Mỹ và Triều Tiên trong thời gian gần đây hoà dịu và yên bình rõ rệt.

Thực chất mối quan hệ song phương này hiện không hẳn như biểu hiện ra bên ngoài vì những lý do sau đây.

Thứ nhất, ông Mattis mới chỉ tuyên cáo rằng Mỹ "có thể" chứ chưa phải Mỹ "sẽ" lại cùng Hàn Quốc tập trận chung. Ông Trump cho thấy không mặn mà với việc lại tiến hành tập trận chung này cho dù vẫn không loại trừ hoàn toàn.

Phía Mỹ muốn cảnh báo và răn đe Triều Tiên nhiều hơn bằng đề cập đến kịch bản có thể xảy ra trong tương lai chứ không phải chủ định quyết định làm theo kịch bản ấy trong tương lai.

Thứ hai, những tuyên cáo chính sách của các cộng sự của ông Trump không phải luôn luôn khi nào cũng phản ánh đúng chủ ý thực sự của ông Trump mà ông Trump lại hay dễ dàng thay đổi quan điềm.

Vì thế, cần nhìn nhận những tuyên bố của phía Mỹ trong tính tương đối của hiệu lực của chúng. Những phát biểu và hành động của ông Trump mới đáng được chú ý đến hơn cả.

Thứ ba, giữa Hàn Quốc và Triều Tiên tiến triển rõ rệt và tích cực. Mối quan hệ song phương này càng được cải thiện thì càng có cả tác động ngăn cản mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên bị đẩy trở lại thời kỳ trước, Hàn Quốc sẽ tác động để giảm căng thẳng và đối đầu giữa Mỹ và Triều Tiên cũng như Triều Tiên sẽ có thể nhìn nhận mối quan hệ đồng minh chiến lược giữa Mỹ và Hàn Quốc bằng con mắt khác và từ giác độ khác.

Cuối cùng là tác động của mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Mối quan hệ này hiện không được ổn thoả và Triều Tiên không thể không luôn phải lưu ý đến nhân tố Trung Quốc trong xử lý quan hệ với Mỹ. Cũng chính vì thế mà ông Trump phê trách Trung Quốc nặng nề trong khi mới chỉ có những phàn nàn nhất định về Triều Tiên.

Vì vậy, cho dù mọi kịch bản xấu vẫn không thể loại trừ nhưng thiên hạ không nên quá bi quan về chuyện hoà giải giữa Mỹ và Triều Tiên.

Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại