Chủ tịch Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm Dan Smith ngày 4/5 đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Yonhap của Hàn Quốc rằng một thỏa thuận phi hạt nhân hóa để đổi lấy một hiệp ước hòa bình có thể là kết quả của cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nếu các vấn đề an ninh của Triều Tiên được giải quyết theo một sự dàn xếp được Trung Quốc đảm bảo.
Ông nói: "Luôn có khả năng thỏa hiệp. Lịch sử trong ít nhất 70 năm qua cho thấy 2 hay 3 bên trước đây nói rằng họ căm ghét nhau đã đạt được các hiệp ước và hiệp định hòa bình. Do đó, ông Kim Jong-un và ông Donald Trump có thể đạt được một thỏa thuận (trong cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra vào cuối tháng 5 hay đầu tháng 6 tới).
Smith nói thêm: "Triều Tiên có thể sẵn sàng thảo luận việc phi hạt nhân hóa nếu các vấn đề an ninh mấu chốt của họ được giải quyết". Ông này có ý bóng gió tới mối lo sợ ăn sâu bám rễ của Triều Tiên về một sự thay đổi chế độ có thể xảy ra do Mỹ dàn dựng hay điều mà Triều Tiên gọi là "những sự thù địch" đối với nước này.
"Điều mà người Mỹ, Hàn Quốc và có lẽ cả người Trung Quốc cần nghĩ tới đó là cách thức giải quyết các vấn đề an ninh của Triều Tiên theo một cách mà họ cảm thấy hài lòng và dẫn tới một bán đảo không có vũ khí hạt nhân", chuyên gia này bình luận.
Theo ông, việc định nghĩa phi hạt nhân hóa là gì cũng là một câu hỏi "nan giải" bởi nó có thể bao gồm cả chuyện các tàu chiến Mỹ ở vùng phụ cận, việc đưa tên lửa và máy bay của Mỹ trở về nước. Nếu định nghĩa phi hạt nhân hóa là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đi kèm với một số hình thức đảm bảo an ninh cho Triều Tiên và có thể Trung Quốc là một trong những nước đảm bảo việc thực hiện thỏa thuận hòa bình thì chúng ta có thể đạt được một thỏa thuận khả thi".
Dự đoán về cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim, nhà phân tích này nói: "Sự kỳ vọng thận trọng của tôi là họ có thể nhất trí về một số đầu mục, một số nguyên tắc, mục tiêu chung và họ tuyên bố chúng ta sẽ bắt đầu một tiến trình thảo luận về một hiệp ước hòa bình, thành lập một nhóm công tác cấp cao để tìm ra cách thức phi hạt nhân hóa, và xem xét các vấn đề liên quan khác".
Ông nói thêm: "Tôi không nghĩ họ sẽ nhất trí về các nội dung chi tiết. Sẽ mất một khoảng thời gian sau cuộc gặp thượng đỉnh này và sau khi các đầu mục được chi tiết hóa".
Khi được hỏi liệu áp dụng mô hình phi hạt nhân hóa của Libya đối với Triều Tiên sẽ khả thi hay không theo gợi ý của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton, nhà phân tích này đã trả lời là không.
Ông giải thích: "Tôi không nghĩ đó thực sự là điều thực tế. Không thể có chuyện Triều Tiên, nước đã nỗ lực rất nhiều trong việc phát triển chương trình tên lửa và hạt nhân của mình, sẽ từ bỏ các chương trình này để đổi lấy cái hư vô. Về mặt tâm lý, không thể có chuyện ông Kim Jong-un, người đã tự cho mình là theo sát các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên sẽ cảm thấy dễ dàng từ bỏ chúng để đổi lấy cái hư vô".
Nhà phân tích này nói thêm: "Nếu Mỹ tới đàm phán và tuyên bố 'Các ông sẽ phải từ bỏ các vũ khí hạt nhân của mình ngay bây giờ còn nếu không chúng tôi sẽ không đàm phán nữa thì trong cuộc gặp thượng đỉnh này hai bên sẽ không đạt được thỏa thuận gì. Tuy nhiên, tôi không cho rằng đó là điều mà Mỹ sẽ làm. Tôi nghĩ họ sẽ thông minh hơn".