Mỹ trấn an đồng minh sau khi Ukraine tiếp tục bị gạt khỏi đề xuất viện trợ

Thu Hoài |

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách trấn an các đồng minh sau khi Hạ viện Mỹ loại Ukraine ra khỏi đề xuất viện trợ quân sự mới nhất. Cuộc xung đột kéo dài tại Ukraine đã trở thành một trong những vấn đề gây chia rẽ tại Mỹ và thậm chí đe doạ mặt trận thống nhất mà phương Tây vẫn thể hiện đối với cuộc xung đột Ukraine.

Sau khi bị loại khỏi dự luật chi tiêu tạm thời, Ukraine hôm qua một lần nữa không có tên trong kế hoạch viện trợ mới nhất trị giá 14,3 tỷ USDdo đảng Cộng hoà tại Hạ viện đề xuất.

Đây là một trong những sáng kiến lập pháp quan trọng đầu tiên của tân Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson và dự kiến sẽ được đưa ra bỏ phiếu vào ngày mai (2/11).

Trong nỗ lực trấn an Ukraine và các đồng minh châu Âu, Tổng thống Mỹ Ukraine hôm qua tuyên bố sẽ phủ quyết bất kỳ dự luật nào không bao gồm việc hỗ trợ Ukraine, kể cả khi dự luật này được thông qua ở cả hai viện Quốc hội.

Mỹ trấn an đồng minh sau khi Ukraine tiếp tục bị gạt khỏi đề xuất viện trợ - Ảnh 1.

Tổng thống Biden tiếp Tổng thống Ukraine Zelensky tại Washington (Ảnh: AP)

Nhà lãnh đạo Mỹ đồng thời nhấn mạnh, việc cung cấp viện trợ cho Ukraine là một yêu cầu khẩn cấp: “Các giá trị của Mỹ là điều giúp chúng ta trở thành đối tác mà các quốc gia khác đều mong muốn hợp tác. Tuy nhiên, điều này sẽ bị thử thách nếu chúng ta rời khỏi Ukraine và quay lưng lại với Israel. Đó là lý do tại sao tôi sẽ gửi tới Quốc hội một yêu cầu ngân sách khẩn cấp để tài trợ cho nhu cầu an ninh quốc gia của Mỹ. Hỗ trợ các đối tác quan trọng của chúng tôi, bao gồm Israel và Ukraine là một khoản đầu tư thông minh sẽ mang lại lợi ích cho an ninh Mỹ trong nhiều thế hệ.”

Bất chấp nỗ lực xoa dịu của Tổng thống Biden, các đồng minh của Mỹ ở phía bên kìa bờ Đại Tây Dương vẫn không khỏi lo ngại. Ngoại trưởng Latvia - Gabrielius Landsbergis hôm qua cho biết, một phái đoàn các quan chức Liên minh châu Âu sẽ tới Mỹ để thống nhất cách tiếp cận chung ở hai bờ Đại Tây Dương trong vấn đề Ukraine.

Trong khi đó, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas cho biết, nước này đã tăng cường tiếp xúc với các bên liên quan tại Mỹ. Hồi tuần trước, Ukraine cũng đã cử một phái đoàn quan chức chính trị và quân sự cấp cao tới Mỹ để chia sẻ danh sách những yêu cầu mới nhất của nước này.

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, Mỹ đã viện trợ hàng chục tỷ USD cho Ukraine và cung cấp cho nước này rất nhiều vũ khí, đạn dược. Khi các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội đang tới gần, Tổng thống Biden đã yêu cầu Quốc hội phê duyệt gói an ninh quốc gia trị giá 106 tỷ USD một lần, bao gồm tài trợ cho cả Ukraine và Israel.

Tuy nhiên đây lại là một vấn đề đang gây chia rẽ tại Mỹ. Nhiều nhà lập pháp thừa nhận, việc đạt được sự chấp thuận tại Quốc hội đối với việc hỗ trợ Ukraine ngày càng khó khăn hơn khi xung đột vẫn tiếp diễn và những căng thẳng tại Trung Đông đang chuyển hướng sự chú ý của giới lãnh đạo phương Tây.

Hơn nữa, sự phản đối của đảng Cộng hòa đối với viện trợ đã và đang có động lực trong Quốc hội nước này. Là một nghị sĩ đảng Cộng hoà theo đường lối bảo thủ, tân Chủ tịch Hạ viện Johnson từng bỏ phiếu phản đối viện trợ cho Ukraine và yêu cầu tăng cường giám sát ngân sách.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại