Mỹ toan tính chặt đứt các cánh tay nối dài của Iran ở Trung Đông

GD&TĐ |

Mỹ đang nỗ lực chặt đứt tuyến vận chuyển vũ khí Iran cho các nhóm vũ trang ủy nhiệm ở Trung Đông, các nhóm được coi là cánh tay nối dài của Tehran.

Truyền thông Hoa Kỳ ngày 30/6 cho biết, chính quyền của ông Joe Biden đã yêu cầu chính phủ Iraq đóng cửa không phận đối với các máy bay chở hàng của Iran tới Syria và Lebanon.

Giới chức Washington tin rằng, Tehran đã tăng cường vận chuyển vũ khí cho phong trào vũ trang người Shiite Hezbollah qua biên giới với Syria, thông qua chính quyền Beirut.

Nhà Trắng hiện nay đang vô cùng lo ngại về khả năng xảy ra xung đột toàn diện giữa Israel và nhóm vũ trang Hezbollah của Lebanon, từ lâu đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của Iran.

Không phải ngẫu nhiên mà đại diện thường trực của Cộng hòa Hồi giáo Iran tại Liên Hợp Quốc cảnh báo cộng đồng thế giới rằng “một cuộc chiến tranh hủy diệt sẽ bắt đầu nếu Israel tiến hành cuộc tấn công toàn diện vào Lebanon”.

Mỹ không muốn xung đột nhưng phải hỗ trợ Israel

Theo các nhà quan sát, rõ ràng là chính quyền Mỹ hiện nay không cần thêm một cuộc chiến tranh hủy diệt nữa ở Trung Đông, nhưng Washington không thể bỏ rơi Israel trong cuộc xung đột với nhóm vũ trang Lebanon hùng mạnh.

Hezbollah có sức mạnh quân sự lớn nhất trong các nhóm vũ trang ủy nhiệm của Iran - những lực lượng được coi là “cánh tay nối dài” của Tehran ở Trung Đông, với khoảng 50.000 quân và hàng loạt vũ khí hiện đại như tên lửa đạn đạo tầm trung, tên lửa hành trình, xe tăng, xe bọc thép và các hệ thống pháo phản lực phóng loạt.

Có thể nói rằng, nếu Hezbollah có thêm máy bay chiến đấu thì nhóm vũ trang này có sức mạnh tương đương với một quân đội. Thực tế cuộc chiến tranh Israel-Lebanon năm 2006 đã cho thấy, cuộc chiến với nhóm vũ trang này không phải là điều dễ dàng đối với Lực lượng Phòng vệ Israel.

Nếu Israel thất bại trong cuộc chiến ở Lebanon, thắng lợi của Hezbollah sẽ củng cố đáng kể vị thế và ảnh hưởng của Iran trong khu vực.

Do đó trong những tuần qua, Lầu Năm Góc cũng đang tích cực điều động lực lượng của mình tới Trung Đông, đặc biệt là phía đông Địa Trung Hải, nơi mà Nhà Trắng có thể sơ tán các công dân Mỹ trong khu vực và ngay lập tức hỗ trợ cho IDF trong cuộc xung đột với Hezbollah.

Hồi giữa tuần này, Cụm Sẵn sàng Đổ bộ (ARG) Wasp gồm tàu đổ bộ tấn công LHD-1 USS Wasp chở theo hơn 2200 quân thuộc Cụm viễn chinh thủy quân lục chiến số 24 (MEU 24) đã di chuyển vào Địa Trung Hải.

Trước đó, 2 tàu khác của Cụm là tàu vận tải đổ bộ USS New York và tàu đổ bộ USS Oak Hill cũng đã có mặt.

Mỹ hy vọng ứng viên ôn hòa thắng cử ở Iran

Mặc dù đã chuẩn bị đầy đủ nhưng, theo truyền thông Mỹ đưa tin, Nhà Trắng vẫn hy vọng dập tắt nguy cơ xảy ra cuộc đối đầu quân sự hiện vẫn chưa bắt đầu, bởi rất có thể quan hệ giữa Washington với Tehran sẽ có bước ngoặt trong thời gian tới, sau khi kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Iran ngã ngũ.

Vào hôm 28/6, vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 14 đã diễn ra ở Cộng hòa Hồi giáo Iran mà không lựa chọn được nhà lãnh đạo mới cho đất nước, bởi tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu vòng đầu chỉ là 40%, trong khi kết quả giữa 4 ứng viên cũng không có ai đạt đủ số phiếu để giành chiến thắng.

Hôm qua, Ủy ban Bầu cử Iran thông báo cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 14 của đất nước sẽ phải tiến hành vòng bỏ phiếu thứ 2 vào ngày 05/7, với 2 ứng cử viên có số phiếu cao nhất ở vòng 1 là cựu Bộ trưởng Y tế Masoud Pezeshkian và cựu Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Saeed Jalili.

Trong 2 ứng viên vào vòng thứ 2, ông Masoud Pezeshkian, chính khách được hơn 5 triệu người Iran bỏ phiếu trong vòng 1 được coi là người theo chủ nghĩa cải cách, có quan điểm tương đối ôn hòa và ủng hộ bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, rất có khả năng sẽ là người giành chiến thắng.

Do đó, Mỹ rất không muốn bùng phát cuộc chiến giữa Israel với Hezbollah vào thời điểm này, bởi nó sẽ buộc chính quyền Tehran phải lao vào cuộc chiến với Tel Aviv và Washington, điều đó có thể sẽ phá hỏng tia hy vọng về Iran.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại