Mỹ tìm cách nâng cấp máy bay chiến đấu để giành lợi thế trước Nga, Trung Quốc

Hồng Anh |

Trong chiến tranh tại Afghanistan, Iraq và Syria, Mỹ luôn có lợi thế quyết định trên không, tuy vậy, điều này có thể thay đổi khi xung đột xảy ra giữa Mỹ các cường quốc như Nga, Trung Quốc.

Cường kích AC-130J. Ảnh: Không quân Mỹ

Cường kích AC-130J. Ảnh: Không quân Mỹ

Quân đội và lực lượng đặc nhiệm của Mỹ biết rằng họ có thể tiến hành các cuộc không kích hoặc yểm trợ trên không cho lực lượng dưới mặt đất chống lại đối phương bất cứ khi nào cần thiết. Nhưng khả năng này sẽ khó phát huy trong trường hợp xảy ra xung đột với Nga và Trung Quốc.

Trong không phận tranh chấp, cường kích AC-130 và máy bay vận tải MC-130 – hai trong số các loại máy bay uy lực và được yêu thích nhất trong kho vũ khí của Bộ Chỉ huy Các lực lượng đặc biệt của Mỹ (SOCOM), có thể trở nên không phù hợp và khó thực hiện nhiệm vụ khi phải đối mặt với hệ thống phòng không của Nga và Trung Quốc.

Vì vậy, SOCOM đang tìm kiếm cách thức mới để sử dụng những máy bay này. Bằng cách trang bị cho AC-130 tên lửa hành trình và biến MC-130 thành phi cơ cất cánh trên mặt nước, đặc nhiệm Mỹ có thể triển khai chúng trong cuộc chiến như vậy.

AC-130 sẽ trở nên đáng sợ hơn với tên lửa hành trình tầm xa

Trong 6 thập kỷ qua, các phiên bản khác nhau của AC-130 đã hỗ trợ binh sỹ thông thường và đặc nhiệm Mỹ chiến đấu trong nhiều cuộc xung đột.

Cường kích AC-130J Ghostrider, phiên bản mới nhất của AC-130 được coi là “cỗ máy hủy diệt” với kho vũ khí khủng gồm pháo 30mm và 50mm, các loại đạn thông minh, tên lửa “hỏa ngục” Hellfire và tên lửa Griffin.

AC-130 là máy bay chiến đấu yểm trợ tầm gần lý tưởng. Nó có thể bay trên đầu mục tiêu trong thời gian dài và dội hỏa lực một cách đáng kinh ngạc. Nhưng khả năng hoạt động trên không trong thời gian dài của máy bay này cũng là nhược điểm của nó vì để làm như vậy nó sẽ phải bay chậm và dễ bị bắn hạ bởi hỏa lực phòng không. Trong lịch sử, AC-130 hầu như chỉ hoạt động vào ban đêm để tăng cường thế mạnh và tránh lộ điểm yếu.

Hiện giờ, SOCOM muốn phát triển một “vũ khí dẫn đường chính xác” mà AC-130 có thể bắn từ khoảng cách xa, cho phép nó tấn công các mục tiêu trong khi tránh được hỏa lực của đối phương.

Theo một số thông tin mới được tiết lộ, Bộ Chỉ huy Các lực lượng đặc biệt của Mỹ đang tìm kiếm một tên lửa hành trình có tầm bắn từ 370km đến 470km với đầu đạn nặng ít nhất 6 kg nhưng có thể được nâng cấp lên 16kg.

Tuy vậy, một số nhân vật trong Bộ Tư lệnh Các Chiến dịch Đặc biệt của Không quân Mỹ (AFSOC)- một bộ phận của SOCOM đã tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả của vũ khí này.

“Khi phải đối phó với bất cứ mối đe dọa nào, dù là vũ khí không đối không hay không đối đất, việc có thêm tên lửa hành trình dẫn đường chính xác sẽ giúp nâng cao khả năng hoạt động của AC-130, nhưng tôi không tin rằng trang bị tên lửa này sẽ giúp máy bay phù hợp hơn với những cuộc chiến như vậy do các hạn chế của nó”, B.A – một cựu pháo thủ của AC-130 cho biết.

“Những máy bay khác có lẽ sẽ là lựa chọn tốt hơn để mang theo loại vũ khí này. AC-130 được chế tạo để quần thảo nhiều giờ liền trên bầu trời, bay ngược chiều kim đồng hồ và giao chiến với bất cứ kẻ thù nào. Vì thế, việc trang bị thêm tên lửa hành trình có thể không mang lại nhiều lợi ích như mong đợi”.

MC-130J sẽ trở thành phi cơ hạ cất cánh trên mặt nước

Cường kích AC-130 không phải vũ khí duy nhất SOCOM muốn nâng cấp để giành được lợi thế trong cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn, cơ quan này cũng đang nghiên cứu sửa đổi máy bay vận tải MC-130J Commando II để nâng cấp khả năng của nó nhằm đối phó với những thách thức của một cuộc chiến tranh tiềm tàng.

AFSOC có khoảng 60 chiếc MC-130J, đóng vai trò là “xương sống” trong phi đội máy bay cánh cố định của lực lượng này. MC-130J Commando II là phiên bản mới nhất, giúp cho Không quân Mỹ tăng cường khả năng tiếp cận nhằm thâm nhập, giải cứu, cũng như cung cấp khả năng hậu cần nâng cao.

Nó có thể tiếp nhiên liệu trên không cho trực thăng của các lực lượng đặc nhiệm và thực hiện các hoạt động phục vụ cho chiến tranh tâm lý bằng việc rải truyền đơn hoặc tờ rơi. MC-130 có thể hạ cánh ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, kể cả trên các bãi biển, sa mạc và đường cao tốc. Chúng không thể hạ cánh trên mặt nước, nhưng hạn chế này có thể được khắc phục vào năm 2023.

Hiện AFSOC đang phối hợp Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không quân nghiên cứu khả năng đổ bộ của máy bay này để cho phép nó có thể hạ cánh trên mặt nước. Họ có kế hoạch sửa đổi bánh phao tháo rời dùng cho thủy phi cơ để cho phép MC-130J hạ cánh và cất cánh trên mặt nước trong trường hợp cần thiết.

Một cựu phi công MC-130 cho biết: “Đây thực sự là một tin tức tuyệt vời, giúp máy bay trở nên hoàn hảo hơn. Trung Quốc là đối thủ chính của chúng ta ở cả hiện tại và tương lai. Nếu chúng ta muốn tiến hành hoạt động viễn chinh hiệu quả ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chúng ta cần phải có thủy phi cơ đổ bộ”.

Thiếu tá Kristen Cepak – người đứng đầu bộ phận chuyển đổi công nghệ của AFSOC cho biết: “Khả năng đổ bộ của MC-130J Commando II rất quan trọng đối với thành công tương lai vì nó cho phép phân bổ khí tài trong khu vực hoạt động chung”.

Không quân Mỹ được cho là đang nghiên cứu những khái niệm mới để giúp các máy bay của lực lượng này khó bị nhắm mục tiêu tấn công hơn.

Chẳng hạn, theo chương trình triển khai linh hoạt (ACE), máy bay chiến đấu F-35 có thể gia tăng khả năng sống sót và mở rộng khả năng hoạt động, đặc biệt tại những khu vực rộng lớn như Thái Bình Dương, nơi quân đội Trung quốc đang mở rộng sự hiện diện. Những khả năng mới này sẽ khiến họ thích ứng với sự cạnh tranh giữa các cường quốc./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại