Mỹ tiếp nhận bom chùm trá hình?

Đan Nguyên |

Trong khi Mỹ có kế hoạch loại bỏ bom chùm thì nước này lại chuẩn bị đưa vào trang bị loại đạn pháo có tính sát thương không hề kém.

Trang Army Recognition dẫn nguồn tin quân sự Mỹ cho biết, Lục quân nước này đang phát triển loại đạn pháo phản lực tự dẫn thông minh (GMLRS) M30A1 mang theo các đầu đạn đặc biệt có thể giúp nước này loại bỏ các mẫu bom chùm đã lỗi thời CBU.

Khi đưa vào trang bị, đạn pháo M30A1 sẽ giúp giảm thiểu tối đa các thương vong không mong muốn từ việc sử dụng bom chùm hiện tại. Về cơ chế hoạt động, hệ thống pháo phản lực phóng loạt tấn công các mục tiêu mặt đất từ khoảng cách hàng trăm km.

Các đầu đạn đặc biệt của M30A1 sẽ được kích hoạt nổ tức thì khi đến gần mục tiêu nhằm hạn chế tối đa tình trạng vật liệu nổ còn sót lại sau các đợt không kích.

 Mỹ tiếp nhận bom chùm trá hình?  - Ảnh 1.

Pháo phản lực Mỹ tập trận

Đạn rocket GMLRS mang theo mình một đầu đạn đặc biệt bên trong chứa hàng trăm ngàn viên bi nhỏ được làm bằng vonfram được kích hoạt đồng thời bằng lõi thuốc nổ cực mạnh. Mục tiêu chính của viên bi này chính là lực lượng bộ binh và các phương tiện cơ giới hạng nhẹ của đối phương.

Trong những cuộc thử nghiệm gần đây, GMLRS đã thể hiện sức mạnh của mình không hề thua kém các dòng bom chùm CBU chống bộ binh có trong biên chế của Không quân Mỹ hiện tại, thậm chí phạm vi tấn công hiệu quả của nó còn vượt trội hơn hẳn.

Bom chùm là loại vũ khí có sức sát thương trên diện rộng mà không phân biệt binh sĩ và dân thường. Đặc biệt, việc sử dụng bom chùm để lại một lượng lớn vật liệu nổ còn sót lại gây nguy hiểm. Mặc dù vậy, loại vũ khí này đã được Mỹ sử dụng trên nhiều chiến trường khác nhau, trong đó có loại bom CBU-105.

CBU-105 là dòng bom hàng không nặng 454 kg, mang theo 40 đầu đạn con BLU-108/B. Khi được sử dụng, các đầu đạn BLU-108/B tách khỏi bom mẹ sẽ tự ổn định trên không và dùng thiết bị cảm biến hồng ngoại để phát hiện và tấn công vào nóc phương tiện cơ giới của đối phương.

Nếu không phát hiện ra mục tiêu, đầu đạn sẽ tự hủy ở độ cao 15 m. Thiết kế của CBU-105 chủ yếu là để tiêu diệt các mục tiêu thông thường và phương tiện cơ giới hạng nhẹ. Khả năng sống sót sau khi một trái bom CBU-105 bị kích nổ là hoàn toàn không có.

Hiện tại, các tổ chức bảo vệ nhân quyền thế giới coi việc sử dụng bom chùm trong chiến tranh là hành động phi nhân tính và đang vận động cho việc cấm sử dụng loại vũ khí này. Tháng 5/2008, Một hiệp định quốc tế về việc cấm sử dụng bom chùm trong chiến tranh đã được thành lập.

Tính tới thời điểm hiện tại đã có 11 nước tham gia vào hiệp định này. Tuy nhiên, Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Saudi Arabia và Israel đã từ chối tham gia.

Để tránh sự lên án của các tổ chức nhân quyền quốc tế về việc sử dụng loại bom này, Quân đội Mỹ hiện cũng đang nghiên cứu một loại đạn chùm mới: DPICM (Dual - Purpose Improved Conventional Munitions) dịch là Đạn chùm cải tiến lưỡng dụng có tác dụng tương tự bom chùm, nhưng được cho là loại bỏ sự nguy hiểm của bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.

Loại đạn chùm này sẽ được phóng bởi hệ thống pháo phản lực của Mỹ. DPICM sẽ mang đến những khả năng mới cho pháo phản lực, vốn chỉ sử dụng các đầu đạn đơn nhất. Tuy nhiên, do Mỹ chưa phê chuẩn Công ước quốc tế về bom chùm, nên thật khó đoán mục đích thực sự của loại đạn mới này là gì.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại